|
Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho biết, lộ trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.Đà Nẵng gồm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ nay đến 2016, giai đoạn 2 từ 2016 - 2021 (nhiệm kỳ HĐND khóa 9) và giai đoạn 3 từ 2021 trở đi (nhiệm kỳ HĐND khóa 10).
Theo ông Ngữ, hoạt động của chính quyền hiện nay, đặc biệt là công tác quản lý đô thị bị cắt khúc thành nhiều cấp, bộ máy cồng kềnh nhưng chưa hiệu quả do thiếu cơ chế trách nhiệm, phối hợp. Chính quyền đô thị mới được “thiết kế” gồm cơ quan đại diện nhân dân và cơ quan hành chính cấp thành phố tự quản tự chủ, thực hiện nội dung theo phân cấp của chính quyền trung ương. Người đứng dầu cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trung gian thông qua cấp ủy. Các cơ quan chuyên môn được tổ chức tập trung, thống nhất và quản lý đa ngành đa lĩnh vực giúp bộ máy tinh gọn và tăng tính chuyên nghiệp, giải quyết nhanh công việc của dân.
Trong khi đó, HĐND ngoài chức năng quyết nghị và giám sát thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội, còn được chủ động huy động nguồn lực phát triển địa phương, được ban hành chính sách, văn bản điều chỉnh vấn đề mới, bầu và giám sát UBND thành phố. Nhờ bỏ cấp trung gian, ý kiến cử tri được đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền và việc giải trình trách nhiệm giải quyết rõ ràng hơn, phương thức giám sát được đổi mới, nâng cao nhờ số lượng kỳ họp HĐND tăng lên…Ông Ngữ đơn cử năm 2012 có 4.058 hồ sơ thuộc 51 nhóm thủ tục hành chính xử lý tại sở, ngành và trình lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng ký giải quyết, nếu thực hiện việc ủy quyền trong chính quyền đô thị mới thì sẽ cắt giảm được 55.081 ngày đến 57.394 ngày, nhờ vậy tiết kiệm chi phí thời gian và người dân, tổ chức được hưởng lợi trực tiếp. Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng nên chỉ có 2 cấp thành phố và cơ sở (không còn cấp quận huyện). “Trước 1997 xét trên phạm vi trung tâm thành phố cũ thì chính quyền Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam bấy giờ thực chất là chính quyền đô thị 2 cấp nên với trình độ quản lý đô thị của đội ngũ công chức, kết cấu hạ tầng giao thông, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin thì Đà Nẵng hiện đủ điều kiện bước vào mô hình này ngay ở giai đoạn thí điểm từ nay đến 2016 (giai đoạn 1)” - ông Tiếng nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại trong quá trình xây dựng chính quyền đô thị, như việc Nhật Bản phải mất hơn 20 năm để từ khi triển khai cho đến khi bỏ cấp huyện, cấp hành chính trung gian, và hiện đề án xây dựng thí điểm chính quyền đô thị tại nước ta cũng đang vướng đến 220 điều luật mà việc sửa luật, Hiến pháp không phải quá trình một sớm một chiều.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)