Điều 2 của dự thảo nghị định có những điểm rất dễ gây nhầm lẫn, khiến người tiêu dùng lúng túng, khi viết: Sản phẩm thay thế sữa mẹ là: “a) Sữa công thức hoặc sản phẩm dinh dưỡng công thức có sữa dùng cho trẻ đến 12 tháng tuổi (infant formula); b) Sữa công thức hoặc sản phẩm dinh dưỡng công thức có sữa dùng cho trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi (follow up formula). Quy định như trên thì có thể hiểu: gần như sữa nào cũng có thể thay thế sữa mẹ (?).
Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội), với quy định về khái niệm nêu trên, người tiêu dùng sẽ không phân biệt được sự khác nhau giữa hai loại sữa (ví dụ: thành phần, dinh dưỡng, quy chuẩn kỹ thuật...). Điểm khác biệt duy nhất ở đây là độ tuổi bé sử dụng. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề chính để định nghĩa một sản phẩm sữa. Hơn nữa đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ trên 12 tháng tuổi, chế độ dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là trẻ có độ tuổi từ 0 đến 6 tháng tuổi. Do đó, khi quy định về sữa cho các độ tuổi này cần có một khái niệm cụ thể đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật để người tiêu dùng lựa chọn phù hợp với độ tuổi của trẻ nhỏ.
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, dự thảo này cũng đưa ra một số quy định vừa không phù hợp, vừa thiếu tính khả thi khi quy định các bác sĩ có trách nhiệm “chỉ định” các trường hợp dùng sản phẩm sữa để thay thế cho sữa mẹ. “Sản phẩm sữa không thuộc diện chỉ định kê đơn trong cơ sở y tế, quy trách nhiệm này cho bác sĩ sẽ gây cho họ áp lực khi bệnh viện, nhất là các khoa nhi vốn đã quá tải. Mặt khác, có thể bị lạm dụng, khi hãng sữa “bắt tay” với bác sĩ để được vào diện “chỉ định”, ông Tú nói.
Bên cạnh đó, luật sư Trương Anh Tú cho rằng trong dự thảo này quy định về trách nhiệm của phụ nữ mang thai, bà mẹ và thành viên trong gia đình trong việc sử dụng sữa cho trẻ nhưng chưa có cơ chế giám sát, chế tài khi vi phạm.
Trong một văn bản góp ý gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng cho rằng Bộ Y tế cần phải làm rõ hơn sự cần thiết ban hành nghị định; một số quy định không phù hợp với các luật, nghị định khác như luật Quảng cáo, luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Các quy định về thức ăn bổ sung, cấm quảng cáo hình ảnh bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong sản phẩm sữa... cũng được Bộ Tư pháp cho là: không phù hợp hoặc không cần thiết...
Một số điều khoản khác cũng được Bộ Tư pháp đánh giá có tính khả thi không cao như không cho cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bà mẹ mang thai hoặc các thành viên trong gia đình bên ngoài cơ sở y tế với mục đích quảng cáo khuyến khích sử dụng sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Thái Uyên - Mạnh Hùng
>> Chú ý khi mua sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ
>> Tăng cường kiểm tra giá sữa
>> Chọn sữa cho trẻ thừa cân béo phì
Bình luận (0)