Làm thế nào để tránh gian lận và lừa đảo qua mạng?

09/07/2019 14:00 GMT+7

Gian lận qua mạng hiện có rất nhiều hình thức, như lừa chiếm tài khoản Facebook, các trang bán lẻ mạo danh, email lừa đảo... Vậy làm thế nào để tự bảo vệ bản thân trên môi trường không gian mạng?

Theo PCWorld, nếu bạn cảm thấy giao dịch, dịch vụ, email hay trang web nào đáng ngờ, hãy kiểm tra theo các hướng dẫn sau trước khi móc hầu bao của bạn.
Ba dấu hiệu của một trang web hợp pháp
Hãy hi vọng rằng hầu hết các trang web mà bạn truy cập hoặc giao dịch đều là hợp pháp, nhưng vẫn cần kiểm tra chéo nếu bạn phải giao dịch qua mạng.
1. Đường dẫn (URL) thường bắt đầu bằng https, đây là giao thức bảo mật đã được mã hóa bằng các chứng chỉ bảo mật SSL (Secure Sockets Layer) để bảo vệ dữ liệu giữa máy chủ và trình duyệt web.
2. Ngoài ra, một vài trang web dùng các chứng nhận độc lập đáng tin cậy để bảo vệ như Norton Secured Seal (DigiCert), McAfee Secure (TrustedSite). Tại Việt Nam, các tên miền có đuôi .vn sẽ do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cấp phép.
3. Kiểm tra thông tin WHOIS để biết tên chủ sở hữu và nơi đặt máy chủ. Riêng với các tên miền có đuôi .vn, bạn có thể sử dụng các dịch vụ tra cứu thông tin tên miền trong nước từ các nhà cung cấp dịch vụ như Matbao, Nhanhoa, PAVietnam... Hạn chế của phương pháp này là khó kiểm tra thông tin các tên miền bảo mật, trừ khi dùng dịch vụ tính phí của bên thứ ba.

Các trang web an toàn thường dùng giao thức https

Ảnh chụp màn hình

Thường các trang web có thời gian hoạt động lâu dài thì sẽ có uy tín hơn.
Kiểm tra trang web lừa đảo
Như bài viết về cách tìm chủ sở hữu trang web trước đó, các thông tin chủ sở hữu có thể là một kênh tham khảo để xem độ an toàn của một trang web. Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm:
1. Xác minh thông tin giao dịch trên trang web, nghĩa là cần đảm bảo rằng số điện thoại, địa chỉ email và địa chỉ cố định... đăng tải trên trang web đó có thực. Bạn có thể xác minh nhanh thông qua tìm kiếm trên Internet hoặc gọi điện.
3. Bên cạnh đó, bạn có thể kiểm tra qua các dịch vụ tra cứu của bên thứ ba hay của chính quyền. Tìm kiếm qua Google với từ khóa tên doanh nghiệp hoặc tên trang web, kết hợp với các từ khóa như “lừa đảo”, “đánh giá”, “phốt”...
Các quy tắc tối thiểu
Thời đại Internet này đòi hỏi có niềm tin tương đối giữa các giao dịch qua mạng, bạn không thể quá cảnh giác tới mức tiêu cực khi mua sắm trực tuyến, hay nghi ngờ mọi trang web mà bạn truy cập và giao dịch.
Do vậy, để an toàn thì bạn cần chú ý các quy tắc tối thiểu sau:
1. Đọc kỹ chi tiết hợp đồng, thỏa thuận, thông tin sản phẩm và chính sách liên quan. Các thông tin này thường dài và tẻ nhạt, nhất là thông tin bảo hành, nhưng nó đáng để đọc.
2. Đừng để bị mức giá “khó tin” đánh lừa bạn, cái gì rẻ có thể vẫn dùng được, nhưng quá rẻ thì thường là không tốt.
3. Tham khảo các bài đánh giá của khách hàng mua sản phẩm trên trang web đó, nhưng đừng vội tin vào một lượng lớn bài đánh giá chung chung kiểu “tuyệt vời”. Bởi khách hàng thực sự thường hay có đánh giá trung lập hoặc tiêu cực hơn. Do vậy, hãy đọc các đánh giá tiêu cực trước và để ý xem khách hàng nói gì hoặc công ty phản hồi gì.

Hãy cẩn thận với các liên kết quảng cáo trong email

Ảnh chụp màn hình

4. Kiểm tra các tùy chọn vận chuyển cũng như công ty nhận vận chuyển. Nếu công ty không cung cấp thông tin hoặc không có mã vận đơn để kiểm tra tình trạng đơn hàng thì hãy tìm một nhà cung cấp khác. Mã vận đơn là yếu tố thuận tiện để tra cứu thông tin vận chuyển đơn hàng, đến mức các dịch vụ nổi tiếng bảo thủ như bưu điện vẫn cung cấp.
5. Chú ý chỉ thanh toán bằng thẻ tín dụng khi bạn xác định đó là trang web đáng tin cậy, để không bị đánh cắp các thông tin thẻ khi bạn nhập vào phần thanh toán. Dù ủng hộ thanh toán thẻ nhưng nếu không chắc về nhà cung cấp thì bạn nên chọn hình thức trả tiền khi nhận hàng.
6. Tránh nhấp vào các liên kết trong email không rõ nguồn gốc, mạo danh ưu đãi, mua sắm hay rút thăm trúng thưởng. Không cung cấp thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, mật khẩu, ID cho bất kỳ chương trình khuyến mãi nào qua email.
7. Một mẹo nhỏ để xác nhận địa chỉ thực trong các địa chỉ liên kết gửi qua email, đó là di chuột tới liên kết và địa chỉ liên kết thực sự sẽ xuất hiện trong một hộp thoại nhỏ đi kèm.
8. Tin tặc thường chiếm quyền điều khiển danh bạ của người dùng và gửi các email nhiễm mã độc dưới dạng từ bạn bè hoặc đồng nghiệp trong danh bạ. Nên tránh mở các tệp tin đính kèm email, trừ khi đã xác nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.