Thời gian gần đây, những chiếc xe bánh mì cộng đồng sạch sẽ, trang trí bắt mắt đã dần quen thuộc với người dân Sài Gòn. Nhưng ít người biết, tất cả xuất phát từ Chương trình hỗ trợ xe bánh mì miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo, người mãn hạn tù có hoàn cảnh khó khăn...
|
“Đại gia” bán bánh mì
4 giờ 30 sáng. Khi trời còn tù mù sương, tiếng đẩy xe bánh mì lọc cọc của chị N.T.T.T đã vang lên đầu hẻm. Chị thoăn thoắt xắt chả, dưa leo, soạn mớ đồ chua chuẩn bị đón những người khách đầu tiên. Chẳng ai tưởng tượng nổi đó từng là một đại gia, giám đốc công ty nắm trong tay hàng chục tỉ đồng, nhà có vài căn ngay trung tâm Sài Gòn, Vũng Tàu; 7, 8 chiếc xe du lịch cho thuê; 3 tiệm vàng lúc nào cũng nườm nượp khách...
|
Ngồi nói chuyện với chị bên cạnh xe bánh mì, thật bất ngờ khi chị chỉ sang căn nhà lầu mấy tầng đối diện ngay trên đường Nguyễn Trãi (gần khu trung tâm TP), cười buồn nói: “Căn nhà đó trước đây của tui đó. Bề ngang 6 m, dài 37 m, trị giá bây giờ cũng phải vài chục tỉ đồng”.
Rồi bị cuốn vào vòng xoáy buôn bán thất bại, cho vay tiền lãi cao, bị quỵt nợ... Chị vỡ nợ, bị tuyên án 20 năm tù. Nhà bị phát mãi, tài sản bị tịch thu. Chị vào tù, cả gia đình tay trắng.
Nhờ cải tạo tốt, nên chỉ 15 năm (đầu năm 2012) chị được tha. Có cả thảy 5 người con, nhưng ngày ra tù, một người đã mất. Một năm sau, thêm một người con nữa cũng ra đi vì bệnh tật. Không ai ngờ rằng, một người giàu có một thời như thế bây giờ cùng với chồng, con, cháu bảy người chen chúc nhau trong căn nhà ọp ẹp diện tích chừng hơn 20 m2, phải chạy ăn từng bữa. Anh Bùi Hồng Nghĩa, cảnh sát khu vực - Công an P.2, Q.5, cho biết: “Gia đình chị T. khó khăn lắm. Căn nhà đang ở hiện nay được dựng tạm trên đất gò mã, giấy tờ không hợp lệ, nên không có hộ khẩu. Cũng vì vậy mà chị cũng chưa có chứng minh nhân dân”.
Còn anh N.N, trước đây làm tài xế cho công ty P. chuyên sản xuất giày (ở H.Bình Chánh, TP.HCM). Do thiếu suy nghĩ, anh cùng thủ quỹ, thủ kho trong công ty tuồn hàng ra ngoài bán kiếm tiền. Tiền đâu không thấy (vì chưa kịp tiêu thụ), nhưng cái án 11 năm tù giam vì tội trộm cắp tài sản đã ập đến. Anh vào trại để lại cô vợ bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh. Trong những tháng ngày ở trại, cha anh cũng qua đời. “Mẹ mất khi còn nhỏ, bao nhiêu tình cảm cha dồn hết cho tui. Và khi cha mất tui không thể dự đám tang vì còn thụ án. Chưa kể, ngày vào tù, con chưa được sinh ra. Ngày ra tù, con đã bảy tuổi. Vừa ra tù về đến nhà, tui ôm chầm lấy đứa con. Nhưng thấy sự ngượng ngập, sợ sệt của nó, tui mới thấm thía cái giá của lỗi lầm ngày xưa”, anh N. tâm sự.
Ra trại vào cuối năm 2010, anh N. bán cà phê, nước ngọt bên hông trường, vợ làm công cho một trường cấp 1, lương tròm trèm 2 triệu đồng/tháng. Hai đứa con đang đi học, đứa chuẩn bị lên lớp 6, đứa sắp thi đại học, bao nhiêu thứ tiền đổ lên đầu... “Từ lúc ra trại đến giờ, anh ấy rất chí thú làm ăn”, anh Nguyễn Văn Lụa, cảnh sát khu vực - Công an P.6, Q.6, tiết lộ.
|
Cánh cửa hy vọng
Từng là Phó giám đốc Công an TP.HCM, luật sư Trần Văn Tạo (tên gọi thân mật Tư Tạo) hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng, biết rất rõ những khó khăn tái hòa nhập cộng đồng của những người mãn hạn tù. Tại sao không áp dụng mô hình những xe bán bánh mì ngon, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý cho người hoàn lương và những hộ nghèo, cận nghèo...?
Nhưng bắt tay vào thực hiện mới thấy mọi việc không đơn giản chút nào. Để tìm nguồn giúp đỡ bà con và duy trì quỹ, ông cùng cộng sự vận động những đơn vị đồng hành. (Những đơn vị này sẽ bán sản phẩm với giá ưu đãi và trích lại một phần làm quỹ). Thế là Ban chỉ đạo chương trình “Giảm nghèo tăng hộ khá” TP.HCM giúp cho đối tượng nghèo vay vốn; Công ty TNHH SX-TM-DV Phúc An Thịnh nhận tài trợ xe bánh mì; Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm Miên Chây cung cấp giò, chả, xốt bơ, pa tê (có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm) cho bà con. Riêng Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28, thuộc Công an TP.HCM) giúp quỹ chọn đối tượng và địa điểm đặt xe bánh mì phù hợp để kinh doanh hiệu quả mà không ảnh hưởng đến trật tự lòng lề đường.
“Ngoài xe bánh mì cộng đồng, quỹ còn kết hợp với Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty CP Thái Sơn Bình Dương (thuộc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) thực hiện chương trình bánh bao, cơm ngon cộng đồng phục vụ bà con lao động với giá bán chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng/suất”, ông Tạo cho biết.
Nhờ chương trình này, cuối tháng 5.2013, chiếc xe bánh mì cộng đồng mới cứng đã được trao tận tay chị T. Nói về dự định tương lai, mắt chị ánh tia hy vọng: “Tui ráng bán bánh mì, dành dụm tiền khoảng 15 triệu để mua cái máy may, vắt sổ 5 kim về nhận ráp áo, vắt sổ. Hồi ở trong trại, tui vắt sổ và ráp đồ là số 1 đó. Mấy tiệm áo quần gần đây chịu rồi, chỉ cần tui có máy là họ giao hàng tui làm. Mỗi ngày làm chừng 1.500 đến 2.000 cái là ngon”.
Anh N. thì được trao xe vào đầu tháng 6.2013. “May ghê, có cái xe bánh mì này, chịu khó dậy sớm một chút, một tháng kiếm cũng được 3 - 4 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn với người khác, nhưng rất có ý nghĩa với gia đình tui”, anh hào hứng nói.
Và cứ thế, cánh cửa hy vọng từ xe bánh mì cộng đồng đã tiếp tục mở ra cho cô L.Q (đường Phan Văn Khỏe, Q.6), cô D.T.H.M (đường Trần Xuân Soạn, Q.7)... cùng hàng chục hoàn cảnh khó khăn khác.
Còn quá sớm để vẽ lên một hình ảnh tươi đẹp, thành công của chương trình. Nhưng không ai phủ nhận được, ý tưởng xe bánh mì cho người mãn hạn tù, người nghèo rất có ý nghĩa. Không chỉ giúp bà con có việc làm lương thiện, giảm nghèo mà còn cho người dân hiểu rằng, vẫn còn đó những vòng tay cộng đồng rộng mở.
Nguyễn Tập
>> Thắp sáng ước mơ hoàn lương
>> Giải quyết việc làm cho người phạm pháp hoàn lương
>> Thắp sáng ước mơ hoàn lương' tại Hưng Yên
>> Hỗ trợ vốn cho người hoàn lương
>> Thắp sáng ước mơ hoàn lương
>> Tình nguyện giúp thanh niên hoàn lương
>> Giúp người hoàn lương
Bình luận (0)