Mối đe dọa từ các chuyến du hành vũ trụ

01/08/2016 09:00 GMT+7

Du hành đến mặt trăng, sao Hỏa hoặc xa hơn nữa có thể làm tăng mạnh nguy cơ thiệt mạng vì bệnh tim mạch ở phi hành gia, theo báo cáo của các chuyên gia Mỹ.

Đó là kết luận rút ra trong cuộc nghiên cứu đầu tiên về sức khỏe dài hạn của những người tham gia sứ mệnh Apollo của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Tổng cộng NASA đã triển khai 9 sứ mệnh mang theo 24 phi hành gia vượt ngoài ranh giới quỹ đạo thấp của trái đất từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970. Trong đó, sứ mệnh đóng vai trò lịch sử chính là Apollo 11, chứng kiến các nhà du hành Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng. Tuy nhiên, sau thời gian dài nghi ngờ, giờ đây giới khoa học gia xác định được những chuyến hành trình như vậy có thể tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Scientific Reports, một nhóm các chuyên gia bao gồm các nhà khoa học đến từ Trung tâm không gian Johnson và Trung tâm nghiên cứu Ames NASA đã nghiên cứu nguyên nhân tử vong của 7 phi hành gia Apollo với 35 nhà du hành chỉ thực hiện sứ mệnh tới quỹ đạo thấp của trái đất, và 35 nhà du hành chưa từng được giao phó sứ mệnh trên quỹ đạo. Kết quả cho thấy số lượng trường hợp tử vong do bệnh tim mạch trong nhóm Apollo cao gấp từ 4 đến 5 lần (45% số ca) so với các phi hành gia ở quỹ đạo thấp (11%), và nhóm không bay (9%). Dựa theo kết quả thu được, các nhà nghiên cứu cho rằng những cuộc du hành vượt ngoài lưới từ trường bảo vệ của địa cầu có thể gây nên tổn thất dài hạn đối với tim mạch, và nhiều khả năng là do bị phơi nhiễm bức xạ từ vũ trụ.
Không thể chắn được bức xạ vũ trụ
Phát hiện mới được công bố trong bối cảnh nhiều cơ quan hàng không vũ trụ và nhiều công ty tư nhân tìm cách đưa người lên mặt trăng và xa hơn nữa NASA lên kế hoạch gửi người đến sao Hỏa vào thập niên 2030,
theo một trong các tác giả cuộc nghiên cứu Michael Delp thuộc Đại học bang Florida (Mỹ).
Còn cựu phi hành gia Jeff Hoffmann, Giám đốc Phòng thí nghiệm thiết bị nhân tạo - Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), cho rằng dựa theo báo cáo trên, tốc độ của phi thuyền là điều mấu chốt cho những cuộc du hành đến mặt trăng hoặc xa hơn. “Chúng ta không thể chắn được bức xạ vũ trụ năng lượng cao, không phải với năng lực giới hạn hiện thời, nhưng kết quả nghiên cứu nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của việc đến được sao Hỏa càng nhanh càng tốt”, theo ông Hoffmann.
Theo cựu phi hành gia, càng rút ngắn thời gian di chuyển trong vũ trụ, số lượng bức xạ hấp thu vào cơ thể người càng giảm đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.