Một công nghệ 800 năm không thay đổi

07/04/2019 14:45 GMT+7

Trải qua hơn 800 năm, công nghệ các ngành sản xuất đã có những bước nhảy vọt. Nhưng ở xứ sở hoa anh đào, một công nghệ xuất hiện từ thế kỷ 12 đến nay vẫn được làm theo cách thủ công truyền thống.

Đó là con dấu cá nhân, gọi là hanko, không thể thiếu của mỗi người dân Nhật Bản.
Hanko có nguồn gốc từ Trung Hoa, du nhập vào Nhật thời Kamakura (1185 - 1333). Vào thời đó, chỉ có vua chúa và các lãnh chúa mới được dùng, dần dần trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp vào thời Edo (1603 - 1868). Năm 1873, một đạo luật được chính phủ ban hành bắt buộc người dân phải sử dụng hanko trong nhiều lĩnh vực giao dịch.
Một bộ 3 con dấu jitsuin, ginkoin và mitomein có giá 30.000 yen
Ở Nhật, các hợp đồng giao dịch, mở tài khoản ngân hàng và rút tiền, mua nhà đất, làm hôn thú… đều phải dùng hanko để đóng dấu vào các giấy tờ liên quan. Trong các giao dịch trên, người ta không cần ký tên mà chỉ đóng dấu là đủ.
Mỗi người Nhật đều có vài ba cái hanko được làm riêng cho cá nhân người đó. Một hanko có đăng ký (gọi là jitsuin) dùng để ký kết các hợp đồng quan trọng (như mua nhà, đất); một hanko (gọi là ginkoin) dùng để giao dịch với ngân hàng; và một hanko (gọi là mitomein) dùng vào các giao dịch nhỏ lẻ thông thường (đóng vào biên lai, biên nhận giao hàng).
Loại hanko rẻ tiền nhất làm bằng cao su, giá khoảng 100 yen (khoảng 21.000 đồng). Loại chất lượng cao thì làm bằng gỗ tốt hay sừng súc vật, có giá lên đến 20.000 yen (khoảng 4 triệu đồng). Những loại này khi dùng phải mang theo hộp mực dấu.
Khi các đứa trẻ đã đủ tuổi để dùng hanko, cha mẹ chúng sẽ đặt làm cho chúng con dấu riêng để dùng. Không chỉ người Nhật mới đặt làm hanko, mà rất nhiều du khách nước ngoài cũng đặt làm để mang về nước như vật lưu niệm. Nhờ vậy, hanko là ngành nghề hái ra tiền với doanh số hằng năm lên đến 1,5 tỉ USD (khoảng 35.000 tỉ đồng).
Dù thuộc nhóm nước có nhiều phát minh khoa học và đông đảo người Nhật yêu công nghệ, nhưng trên tổng thể, xã hội nước này khá bảo thủ đối với những gì không thuộc truyền thống lâu đời của họ.
Mãi cho đến gần đây, tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, nhà cho vay lớn nhất nước này, mới chịu thay đổi theo thời thế. Họ bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh. Khách hàng đến giao dịch sẽ không cần mang theo hanko nữa. Ở các quầy giao dịch của Mitsubishi, trước đây dùng rất nhiều nhân viên, sẽ được thay thế bằng tablet và đàm thoại qua video. Nhưng, tiến độ chuyển đổi sang kỹ thuật số là khá chậm, dự kiến đến năm 2024, Mitsubishi chỉ sẽ chuyển đổi được có 100 chi nhánh giao dịch trong tổng số 500 chi nhánh trên toàn nước Nhật.
Các tổ chức tài chính lớn khác cũng đang tích cực chuyển đổi để bắt kịp trào lưu mới. Thay vì phải ấn con dấu hanko vào hộp mực rồi đóng vào giấy tờ lỉnh kỉnh và tốn thời gian, giờ đây, khách hàng chỉ cần dùng smartphone hay tablet là có thể thực hiện giao dịch.
Một số hanko được làm bằng kim loại
Dù vậy, thay thế những gì thuộc truyền thống lâu đời không phải là việc dễ dàng. Tập đoàn Mitsubishi UFJ đã phải mất hai năm trời mới thuyết phục được 450 chính quyền địa phương chấp nhận cho các doanh nghiệp sở tại được nộp thuế bằng thanh toán điện tử.
Nhưng không phải mọi nơi đều chịu bỏ truyền thống dùng hanko, nó vẫn còn áp dụng rộng rãi tại nhiều cơ quan công quyền, tổ chức tài chính và doanh nghiệp. Nhiều nhân viên kế toán đã than vãn rằng thật phiền phức khi thanh toán theo cách thức xưa cũ này. Một doanh nghiệp muốn thanh toán tiền cho các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì phải đóng dấu hanko vào phiếu chuyển khoản, mang phiếu đó ra ngân hàng để nơi đây xử lý. Nó tương tự như ở Việt Nam thời bao cấp, các doanh nghiệp thanh toán bằng ủy nhiệm chi.
Loại bỏ một truyền thống lâu đời, dù nó đã quá lạc hậu, luôn là chuyện rất khó khăn. Truyền thống dùng hanko đã khắc sâu vào tâm não nhiều thế hệ người Nhật suốt 8 thế kỷ, nên không thể một sớm một chiều mà thay đổi được.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.