Tờ New York Times lần đầu đưa tin về tình hình của Don McGahn vào cuối tuần qua. Đến tháng 5, khi lệnh bịt miệng từ DOJ đã hết hạn, Apple mới tiết lộ sự việc với ông McGahn.
Không rõ Cục Điều tra Liên bang (FBI) cần thông tin về Don McGahn để làm gì, liệu ông có phải trọng tâm của cuộc điều tra hay chỉ vì ông có liên hệ với những nhân vật đang nằm trong tầm ngắm của FBI. Apple cũng không tiết lộ đã đưa những thông tin nào cho chính quyền.
Để phục vụ quá trình điều tra, các đặc vụ thường lập danh sách số điện thoại và địa chỉ email có liên hệ với đối tượng, xác định từng người một trong số đó bằng cách gửi trát yêu cầu các công ty viễn thông cung cấp tên tuổi, địa chỉ máy tính và số thẻ tín dụng của họ.
Năm 2018 cũng là thời điểm công tố viên Robert Mueller tiến hành điều tra việc cộng sự của ông Trump thông đồng với Nga trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Mà Don McGahn lúc đó lại là luật sư hàng đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump.
Gần đây, New York Times tiết lộ chính quyền ông Trump đã bí mật yêu cầu Apple lấy dữ liệu từ điện thoại của nhà báo và các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội, từ đó tìm ra xem ai là người rò rỉ thông tin cộng sự ông Trump câu kết với Nga.
Sự việc này cho thấy ngay cả Apple dù đặt quyền riêng tư của người dùng lên hàng đầu nhưng vẫn phải làm theo yêu cầu từ phía chính quyền. Theo CNN, "táo khuyết" nhận được hàng nghìn yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân cho chính phủ và các bên tư nhân để phục vụ trong những vụ kiện tụng trên khắp thế giới. Tháng 4, Apple báo cáo những yêu cầu họ nhận được năm 2020 nhắm đến 171.368 thiết bị, giảm 12% so với cùng thời điểm năm 2019. Apple thường cung cấp thông tin cho 80% trường hợp.
Không chỉ riêng Apple, cuối tuần qua, CNBC đưa tin Microsoft cũng từng nhận yêu cầu tương tự từ DOJ và đã phải giữ im lặng hơn 2 năm vì lệnh bịt miệng.
Bình luận (0)