Nhà kinh tế Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo về trí tuệ nhân tạo

Thu Thảo
Thu Thảo
21/08/2018 07:00 GMT+7

Nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andy Haldane vừa cảnh báo hôm 20.8 rằng trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ đe dọa lượng lớn công ăn việc làm.

Cụ thể, ông Haldane cho hay cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, tên gọi cho mô hình thay đổi tương tự như cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây trong thế kỷ trước, có tiềm năng thay thế nhiều việc làm của con người, khiến không ít người thất nghiệp.
Ông Haldane chia sẻ trên kênh BBC: “Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều có tác động kéo dài, sâu rộng lên thị trường việc làm, lên cuộc sống và sinh kế của nhiều người trong xã hội”. Nhà kinh tế của BOE cho hay những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây dẫn đến “căng thẳng xã hội dâng cao hơn”, “căng thẳng tài chính” và “bất bình đẳng”.
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra vào thời đại Victoria, thay đổi nền kinh tế Anh, dẫn đến sự ra đời của nhiều sáng tạo công nghiệp đột phá, trong đó có tàu lửa hơi nước và máy móc tiên tiến. Cùng lúc, nó cũng khiến nhiều người bị đuổi việc, đặc biệt là trong ngành may mặc.
“Đây là mặt tối của các cuộc cách mạng công nghiệp và mặt tối luôn ở đó. Điều này sẽ xảy ra với quy mô còn lớn hơn trong tương lai, khi chúng ta có máy móc vừa làm được, vừa nghĩ được, thay thế cả kỹ năng nhận thức lẫn kỹ năng kỹ thuật của con người”, ông Haldane nói thêm.
Dù ông Haldane không xác định cụ thể số lượng công ăn việc làm bị mất đi, ông nói chung rằng con số ít nhất sẽ lớn bằng mức thất nghiệp trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Dù vậy, sẽ có nhu cầu tạo thêm việc làm mới và nâng cao tay nghề để tránh dư thừa lao động.
Chuyên gia của BOE không là người duy nhất cảnh báo về tác động của AI trên thị trường lao động. Đây là một trong các mối quan tâm lớn nhất của giới chuyên gia trong lĩnh vực này.
Hãng nghiên cứu Gartner dự báo rằng AI sẽ tạo ra 2,3 triệu việc làm mới và loại bỏ 1,8 triệu việc làm khác. Điều này có nghĩa là số việc làm sẽ tăng thêm 500.000 đến năm 2020. Tuy nhiên, thực tế này không ngăn viễn cảnh sa thải xảy ra trên toàn cầu.
Một số chuyên gia ít lạc quan hơn. Đơn cử, cựu giám đốc điều hành Deutsche Bank, ông John Cryan, cảnh báo hồi năm ngoái rằng “rất nhiều người” trong ngành ngân hàng sẽ mất việc vì tự động hóa. Ông cho rằng hàng nghìn nhân viên trong nhà băng có thể bị thay thế bởi AI.
Một số nhà bình luận, đặc biệt là trong ngành công nghệ, cho rằng việc áp dụng thu nhập cơ bản toàn dân là cần thiết để bù đắp ảnh hưởng của cảnh mất công ăn việc làm trên diện rộng. Phần Lan đã thử nghiệm kế hoạch này, thúc đẩy hệ thống phúc lợi vô điều kiện cho toàn dân để thay thế toàn bộ chương trình trợ cấp hiện thời. Dù vậy đầu năm nay, nước này quyết định sẽ không mở rộng chương trình và kết thúc cấp tiền vô điều kiện từ đầu năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.