Theo Pocket-lint, dưới đây là những cột thời gian đáng chú ý xung quanh lệnh cấm mà chính phủ Mỹ áp đặt đối với mạng xã hội video ngắn của ByteDance (Trung Quốc).
Tháng 10.2019
Câu chuyện này thực sự bắt đầu vào tháng 10.2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang đến mức các quan chức Mỹ bắt đầu cảnh báo về việc sử dụng TikTok. Nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là duy nhất bắt đầu để mắt đến TikTok khi các thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer và Tom Cotton đều kêu gọi điều tra TikTok khi cho biết “với hơn 110 triệu lượt tải xuống chỉ riêng ở Mỹ, TikTok là một mối đe dọa tình báo tiềm tàng mà chúng tôi không thể bỏ qua”.
Tháng 12.2019
Đến tháng 12.2019, Mỹ cáo buộc TikTok chuyển dữ liệu người dùng sang máy chủ ở Trung Quốc. TikTok phủ nhận những tuyên bố đó và cho biết chính phủ Trung Quốc không có quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng được lưu trữ ở Mỹ.
Tháng 3.2020
Sự giám sát TikTok ngày càng gia tăng vào năm 2020. Đến tháng 3, nhiều người đã bắt đầu sử dụng ứng dụng để giải trí và xem đó như một phương tiện sáng tạo. TikTok đạt đến đỉnh điểm là 2 tỉ lượt tải xuống trên toàn cầu. Các báo cáo bắt đầu mở rộng sau khi công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, ByteDance, hy vọng sẽ tăng cường sự hiện diện của mình trên toàn thế giới. Khi mối quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ đang căng thẳng, Ấn Độ đã quyết định cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, vào mùa hè qua.
Tháng 7.2020
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với giới truyền thông vào tháng 7 rằng chính phủ Mỹ cũng đang cân nhắc việc cấm TikTok. Cho biết với FoxNews, ông Pompeo nói: “Chúng tôi chắc chắn đang xem xét nó. Chúng tôi đã làm việc về vấn đề này trong một thời gian dài. Đối với các ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại di động của mọi người, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Mỹ cũng sẽ làm được điều này”. Ông khuyên người dùng Mỹ nên thận trọng trong việc sử dụng TikTok khi thông tin cá nhân của họ có thể nằm trong tay chính phủ Trung Quốc.
Vào cuối tháng, ông Trump đã nói với các phóng viên rằng ông sẽ cấm ứng dụng này. "Với những lo ngại dành cho TikTok, chúng tôi sẽ cấm họ tại Mỹ. Tôi có quyền đó. Tôi có thể làm điều đó với một lệnh hành pháp”, ông Trump tuyên bố.
Tháng 8.2020
Tổng thống Trump cuối cùng đã ký một lệnh điều hành buộc ByteDance bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ. Tuy nhiên ông đã ký một lệnh vài ngày sau đó nhằm nới lỏng khung thời gian. Ban đầu, Mỹ cho ByteDance 45 ngày để bán các hoạt động TikTok tại Mỹ, với hạn chót là 15.9, nếu không công ty sẽ phải đối mặt với một số hành động hạn chế. Tuy nhiên, trong lệnh gia hạn, ông Trump kéo dài thời hạn đó lên 90 ngày. Một lệnh tương tự cũng được đưa ra đối với ứng dụng trò chuyện WeChat của Trung Quốc.
|
Trong suốt tháng 8, ông Trump đã đưa ra một số bình luận về việc buộc phải bán TikTok, bao gồm cả việc ai nên mua nó. Theo Bloomberg, Tổng thống Trump không bận tâm về việc đó là Microsoft hay ai khác, miễn đó là một công ty lớn, bảo mật và của Mỹ. Trong số này, Microsoft đã đăng trên blog rằng họ hoàn toàn đánh giá cao tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan tâm từ ông Trump và xác nhận cam kết mua lại TikTok “phải được xem xét bảo mật hoàn chỉnh và mang lại lợi ích kinh tế thích hợp cho Mỹ”. Nhưng ngoài Microsoft còn có một số công ty khác quan tâm đến việc mua lại TikTok tại Mỹ như Twitter và Oracle.
Đồng thời, TikTok cũng đệ đơn kiện chính quyền Mỹ với cáo buộc lệnh cấm giao dịch với ByteDance của họ vi phạm các biện pháp bảo vệ theo quy trình, vượt ra ngoài mục đích của các quy tắc trừng phạt và không cung cấp bằng chứng cho thấy TikTok là một mối đe dọa an ninh quốc gia.
Vào cuối tháng 8, Walmart hợp tác với Microsoft trong một số thương vụ nhằm mua lại TikTok, trong đó nhà bán lẻ này đặt mục tiêu xem TikTok là công cụ giúp phát triển hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình.
Tháng 9.2020
Vào đầu tháng 9, Microsoft tuyên bố sẽ không mua lại các bộ phận hoạt động của TikTok sau khi giá thầu của hãng bị ByteDance từ chối, sau đó công ty rời khỏi cuộc đua. Kết quả là Oracle tuyên bố sẽ cố gắng tiếp quản các hoạt động của TikTok tại Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã xác nhận thỏa thuận và cho biết nó sẽ được trình lên Tổng thống Trump để được chấp thuận.
Trong khi đó, CEO TikTok Kevin Mayer đã từ chức chỉ sau 3 tháng làm việc và tờ New York Times đưa tin TikTok đang tiếp cận người đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom về việc trở thành CEO tiếp theo của ứng dụng. Nhìn chung, khi mọi thứ đang tốt dần cho TikTok thì đột nhiên vào ngày 18.9, Bộ Thương mại Mỹ thông báo các cửa hàng ứng dụng phải xóa TikTok và WeChat vào ngày 20.9, theo lệnh hành pháp mới của ông Trump.
Các cuộc thảo luận về mối quan hệ đối tác tiềm năng có thể tiếp tục giữa ByteDance và Oracle trước khi đến hạn chót 12.11 do ông Trump đặt ra. Trong một động thái mới nhất, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ thương vụ này.
Hiện tại, Apple và Google được lệnh tạm xóa TikTok khỏi các phiên bản tại Mỹ của App Store và Play Store trong thời gian chờ đợi "chốt" xong mọi vấn đề liên quan đến TikTok.
Bình luận (0)