Cải thiện thể chế

07/09/2013 03:45 GMT+7

8 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng thêm vào VN là 12,63 tỉ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là con số khá ấn tượng, sau khi vốn FDI suy giảm liên tục từ năm 2009. Nhưng con số này còn khá mong manh; việc một số doanh nghiệp FDI đóng cửa các nhà máy của họ, hoặc di chuyển sang các nước khác trong khu vực vẫn là mối lo thực sự.

Tại Diễn đàn kinh tế VN - Nhật Bản hôm 5.9, thông điệp của “nhà đầu tư lớn nhất” rất rõ ràng “nếu VN không có sự đổi mới thì rất khó thu hút đầu tư một cách bền vững”.

Rõ ràng, sự khởi sắc trở lại của FDI không thể xua đi thực tế rằng VN vẫn ở “chiếu dưới” trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 - 2014 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tiến hành khảo sát với 148 nền kinh tế, VN xếp vị trí 70, tăng 5 bậc so với năm 2012, nhưng vẫn chưa trở về được vị trí 65 của năm 2011.

Kết quả thăng hạng cạnh tranh năm 2013 được xác định là nhờ VN đã đưa lạm phát về một con số, trong khi các yếu tố khác tạo nên năng lực cạnh tranh vẫn ở mức thấp, như công nghệ ở vị trí 102/148; phát triển thị trường tài chính ở vị trí 93; môi trường kinh tế vĩ mô vị trí 87; cơ sở hạ tầng vị trí 82...

Cải thiện thể chế là mục tiêu quan trọng bậc nhất mà Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc tới khi nói về giải pháp. “Luật chơi” không rõ ràng, thiếu minh bạch đang khiến chúng ta mất điểm nhiều nhất trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Câu chuyện Samsung đã không thể vượt qua những luật lệ bất thành văn của Hà Nội, buộc phải chuyển nhà máy về đặt tại Bắc Ninh hồi năm 2008, thường được kể như một điển hình của “luật chơi” không rõ ràng như vậy.

Thủ tục hành chính thực sự vẫn là rào cản lớn nhất, cản trở sự phát triển ở VN. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 30 (đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Chính phủ), có ít nhất 5.000 thủ tục hành chính cần loại bỏ và nó giúp cắt giảm gần 1,4 tỉ USD chi phí tuân thủ.

Đó là chưa kể, thực tế ở VN có rất nhiều chính sách được ban hành dưới hình thức văn bản cá biệt, theo một quy trình dễ dàng hơn việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật rất nhiều.

Các khuyến nghị cải thiện thể chế trong dài hạn cho VN thì rất nhiều. Nhưng có những việc có thể làm ngay và không khó, đó là rà soát một số nhóm ngành ưu tiên thuộc yếu tố đầu vào (chẳng hạn đất đai, lao động), cơ sở hạ tầng (năng lượng, giao thông vận tải), xuất khẩu (chế biến thực phẩm, may mặc) để đưa ra khung chính sách vững chắc, ổn định (ít nhất là 10 năm); coi đó như một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư.

An Nguyên

>> Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
>> Môi trường đầu tư nước ngoài phải thuận lợi, cạnh tranh hơn
>> Thu hút đầu tư nước ngoài theo hình thức PPP
>> Giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.