Triển khai 5 văn phòng thừa phát lại tại TP.HCM

13/10/2009 23:17 GMT+7

Sáng 13.10, Hội nghị triển khai công tác thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) tại TP.HCM đã được tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Sở Tư pháp TP.HCM.

Để triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM đã và đang có nhiều hoạt động như: tổ chức biên soạn tài liệu phổ biến hoạt động, tập huấn để chuẩn bị cho việc bổ nhiệm TPL và thành lập văn phòng TPL. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ có 5 văn phòng TPL được cấp phép thành lập đóng ở các quận 1, 3, 5, 8, Tân Bình và Bình Thạnh. Mặc dù trong giai đoạn thí điểm chỉ có 5 văn phòng được cấp phép nhưng đến nay đã có vài chục người có đủ điều kiện theo quy định đăng ký tham gia lớp tập huấn về TPL để được xem xét bổ nhiệm.

Theo bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, chọn 5 địa phương này để thí điểm mở văn phòng TPL là do số lượng án và việc phải thi hành ở những địa phương này là rất lớn. Phạm vi hoạt động của các văn phòng TPL sẽ không giống văn phòng công chứng mà bị giới hạn theo địa hạt. “Chỉ được tác vụ trong phạm vi quận mà văn phòng trú đóng”, bà Hồng nói.

Xung quanh hoạt động thí điểm TPL, mới đây ngày 30.9, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư hướng dẫn một số quy định về tổ chức và hoạt động của TPL. Theo đó, người được thi hành án có quyền yêu cầu văn phòng TPL xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp một người có nhiều khoản được thi hành án khác nhau trong cùng một vụ án, do một người phải thi hành thì cùng một thời điểm chỉ được yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc TPL thi hành án; nếu các khoản thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì có quyền yêu cầu cả hai nơi nói trên thi hành án riêng đối với từng khoản. Thông tư cũng quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Trưởng văn phòng TPL đề nghị, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phải ra quyết định cưỡng chế, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.