Hai mặt của chiến thắng

01/10/2007 00:24 GMT+7

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế và tài chính Pháp Dominique Strauss-Kahn đã đánh bại nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Czech Josef Tosovski để trở thành Chủ tịch mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với tư cách là ứng cử viên của Mỹ và EU trong khi ông Tosovski được Nga đề cử và không được chính Chính phủ Czech ủng hộ. Vị tân Chủ tịch IMF là người Pháp thứ tư được bầu vào cương vị này trong lịch sử hơn 60 năm của IMF và nhiều khả năng trong thời gian dài sẽ là người châu u cuối cùng đứng đầu IMF.

Vì IMF đang đứng trước nhu cầu cải tổ thể chế cấp thiết mà các nước đang phát triển và các nền kinh tế lớn đang trỗi dậy khác đã lên tiếng đòi phá bỏ cái luật bất hành văn là chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho người Mỹ còn chức Chủ tịch IMF dành cho người châu u - mà thường là người của EU.

Trở thành Chủ tịch IMF, ông Strauss-Kahn có cơ hội để chứng tỏ khả năng chuyên môn của mình, chuẩn bị ngay từ bây giờ để trở thành ứng cử viên của Đảng Xã hội Pháp trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2012.  Đương kim Tổng thống Pháp N.Sarkozy đã chơi nước cờ cao khi đề cử người của đảng đối lập vào cương vị này. Nếu ông Strauss-Kahn gặt hái được thành công thì cử tri Pháp không thể không quên ông Sarkozy đã "chơi đẹp" như thế nào, còn nếu ông Strauss-Kahn không thành công,  vẫn chỉ mờ nhạt như những người tiền nhiệm thì lợi thế tranh cử đương nhiên thuộc về đương kim Tổng thống Sarkozy.

Thắng cử của vị tân Chủ tịch IMF vậy là có mặt trái của nó vì hai thách thức lớn nhất đối với IMF vẫn đang chờ giải pháp khắc phục của vị tân chủ tịch: IMF cần nguồn tài chính mới nếu như không muốn bán bớt đi dự trữ vàng của quỹ và cơ cấu trọng lực lá phiếu của các thành viên IMF đang rất bất hợp lý, vẫn như vào thời điểm khai sinh ra IMF, và chiều hướng cải tổ không thể là cái gì khác ngoài bớt phần của các nước công nghiệp phát triển để tăng cho các thành viên khác mà làm như vậy thì vị chủ tịch mới sẽ xung khắc với chính những thành viên đã giúp ông ta đăng quang. Nhưng suy cho cùng thì nhiệm kỳ 5 năm là thời gian dài và ông Strauss-Kahn hiện đâu có còn gì để mất.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.