Smartphone với camera 48 MP có tạo nên khác biệt?

31/12/2018 19:42 GMT+7

Với sự ra đời của Sony IMX586, thị trường di động hứa hẹn sẽ nổi sóng với những smartphone trang bị camera 48 MP, nhưng cụ thể chúng sẽ làm được gì?

Theo Techradar, đã vài năm trôi qua kể từ khi các hãng điện thoại cạnh tranh nhau về yếu tố MP (megapixel). Ví dụ, mỗi khi hãng A tung ra smartphone với camera 10 MP thì hãng B sẽ sản xuất smartphone có camera với số MP lớn hơn 10. Nhưng cuộc đua "nhồi nhét MP vào camera" đã lụi tàn từ năm 2016, khi các hãng chuyển sự chú ý sang yếu tố tiếp thị khác giúp tạo "cơn sốt mới": khẩu độ rộng hơn.
Huawei P20 Pro đang là mẫu smartphone chụp ảnh gây ấn tượng trên thị trường Ảnh: CNET
Tuy nhiên, đến năm 2018, khi Huawei cho ra mắt P20 Pro với khả năng chụp ảnh 92 MP từ sức mạnh của 3 camera kết hợp lại, người khổng lồ Trung Quốc đã nổ phát súng bắt đầu cho giai đoạn mới của cuộc đua về camera. Hiện các đối thủ khác vẫn chưa đáp lại lời thách thức, nhưng điều này sẽ không kéo dài lâu trong năm 2019.
Vũ khí tối thượng trong giai đoạn mới này sẽ là cảm biến camera mới nhất dành cho smartphone, do Sony phát triển: CMOS IMX586. Đằng sau cái tên máy móc ấy là một cảm biến với độ phân giải 48 triệu điểm ảnh, mỗi điểm ảnh có kích thước nhỏ gọn là 0,8 micron. 1 micron tương đương một phần nghìn millimet.
Nhiều nguồn tin cho biết Xiaomi, Huawei và Honor là những khách hàng đầu tiên của cảm biến này. Tin đồn khác nhắc đến việc Sony và Samsung đang hợp tác để tích hợp các cảm biến tương tự vào thiết bị mới trong tương lai. Dường như rất nhiều smartphone với camera 48 MP sẽ xuất hiện trên thị trường trong thời gian tới.
Cải thiện khả năng chụp thiếu sáng
Vào các năm trước, bộ phận tiếp thị của các hãng sử dụng chỉ số MP như là thước đo cho chất lượng hình ảnh (MP càng cao, ảnh càng đẹp) và truyền tải thông điệp này đến người dùng. Và đã nhiều lần việc nhồi nhét chỉ số MP vào camera smartphone bị đem ra chế nhạo, với giải thích giả định thường gặp là chất lượng ảnh sẽ bị tệ đi khi chỉ số MP lên cao. Điều này đúng trong quá khứ, bởi vì áp dụng nhiều điểm ảnh lên một cảm biến nhỏ sẽ làm giảm khả năng chụp thiếu sáng.
Nhưng thời gian đã trôi qua và công nghệ đã tiến bộ hơn, lợi ích của cảm biến nhiều MP là mang đến độ chi tiết cao. MP càng nhiều nghĩa là nhiều dữ liệu ảnh hơn được đưa vào xử lý, và tập tin cũng sẽ lớn hơn, dễ điều chỉnh hơn.
Lumia 1020 đã từng là dòng máy trang bị camera 41 MP Ảnh: Techradar
Nokia Lumia 1020 nổi tiếng mội thời có chế độ zoom kỹ thuật số lên đến 4x nhờ vào camera 41 MP. Các smartphone với camera 48 MP sắp ra mắt trong 2018 sẽ có khả năng zoom đến gần vật thể hơn, mà lại ít hoặc không làm giảm chất lượng ảnh.
Giờ hãy quay lại vấn đề xung quanh khả năng chụp ảnh thiếu sáng yếu nếu chỉ số MP cao. Trước kia, để đạt đến khả năng chụp thiếu sáng hoàn hảo, cần ba yếu tố sau: ổn định hình ảnh bằng quang học (OIS), khẩu độ rộng và hạn chế độ phân giải cảm biến ở mức độ tương đối.
Yếu tố đầu tiên cho phép màn trập mở ra lâu hơn, cho phép ánh sáng đi vào, trong khi yếu tố thứ hai cũng thực hiện chức năng gần như tương tự, chỉ là theo một cách khác.
Còn với yếu tố cuối cùng, hãy tưởng tượng cảm biến camera của smartphone như một hình chữ nhật (thực tế là vậy), và điểm ảnh là các "cửa sổ" bị chèn vào bên trong hình chữ nhật đó. Một MP tương đương 1 triệu điểm ảnh, và khi càng nhiều MP bị nhét vào cảm biến, thì mỗi điểm ảnh lại phải càng nhỏ lại.
Những "cửa sổ" này cho phép ánh sáng đi vào, cho phép vi xử lý tái tạo lại hình ảnh. "Cửa sổ" càng ít thì kích thước mỗi điểm ảnh riêng lẻ sẽ có thể lớn hơn. Và khi điểm ảnh lớn hơn, ánh sáng vào được nhiều hơn. Chính điều này dẫn đến việc MP càng cao, thì khả năng chụp thiếu sáng sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, cảm biến mới của Sony đã vượt qua hạn chế này, bằng cách kết hợp thông tin một cách hiệu quả từ những nhóm điểm ảnh (mỗi nhóm gồm 4 điểm ảnh) để tạo ra siêu điểm ảnh. Điều đó tăng khả năng thu sáng cao hơn 4 lần.
Sony nói điều này giúp cải thiện dải tần nhạy sáng có sẵn lên 4 lần cao hơn mức trung bình, cho phép cảm biến đẩy mạnh giới hạn của nó.
Sức mạnh vi xử lý hiện đại đóng vai trò lớn
Chính sức mạnh xử lý có sẵn bên trong một chiếc smartphone trung bình hiện nay đã đóng góp rất lớn trong việc khai thác tiềm năng của cảm biến.
Nokia 808 Pureview để lại nhiều nuối tiếc cho người dùng ẢNH: Techradar
Những smartphone hầm hố trang bị camera 41 MP trong quá khứ chẳng hề được đánh giá cao. Mặc dù đủ khả năng, Nokia 808 Pureview (ra mắt năm 2012) sử dụng hệ điều hành Symbian, vi xử lý lõi đơn, lẫn vi xử lý đồ họa riêng để xử lý những tập tin kích thước lớn, nhưng vẫn không thể khai thác hết sức mạnh của cấu hình.
Còn với Lumia 1020, đồng ý rằng thiết bị chụp ra những bức ảnh đẹp, nhưng thời gian lưu ảnh khiến người dùng "hơi buồn ngủ", với khoảng thời gian trung bình có thể kéo dài hơn 8 giây.
Và khi nhiều điện thoại hiện nay sở hữu vi xử lý mới có khả năng chơi các game di động khá nặng như PUBG và Fortnite, chẳng lý nào chúng lại không xử lý được những tập tin hình ảnh nặng.
Không chỉ vậy, với khả năng xử lý hậu kỳ tiên tiến của smartphone hiện tại và tương lai, mọi thứ sẽ còn trở nên thú vị hơn.
Chế độ chụp ban đêm với khả năng phơi sáng điều chỉnh chuyển động hay chế độ HDR nâng cao tự động đã trở nên phổ biến. Và khi chúng kết hợp với phần cứng camera khủng như IMX586, chúng ta có thể sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Samsung cũng sở hữu phiên bản cảm biến tương tự của họ, ISOCELL Bright GM1, mang đến những khả năng tương tự nhưng giá thấp hơn. Vẫn chưa xuất hiện thông tin cho biết nhà sản xuất đối thủ là Omnivision sẽ nhảy vào cuộc đua, nhưng điều đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Các hãng cạnh tranh càng mạnh, thì họ sẽ cho ra sản phẩm mới mẻ hơn và người dùng sẽ có lợi. 2019 dường như sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho camera trên smartphone, dù là do chỉ số MP tiếp tục được đẩy cao hay do yếu nào đi chăng nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.