Không uống aspirin lúc đói bụng

03/11/2011 11:59 GMT+7

Việc sử dụng aspirin để hỗ trợ hoặc ngăn ngừa các bệnh tim mạch cần theo sự chỉ định rõ ràng của bác sĩ, không nên tự ý mua dùng.

Hơn một thế kỷ qua, aspirin được dùng làm thuốc giảm đau. Từ thập niên 1970, các bác sĩ bắt đầu sử dụng aspirin để kiểm soát và hỗ trợ một số trường hợp về tim mạch. Aspirin cống hiến cho hệ tim mạch bằng việc giúp giảm đau, kháng viêm và cũng có tác dụng “hô biến” các cục máu đông, vốn là thủ phạm gây ra các cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ.


Không nên tự ý mua aspirin hỗ trợ bệnh tim (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Hồng Thúy 

Trước khi tiến hành phẫu thuật, nhổ răng, bệnh nhân phải thông báo cho thầy thuốc biết nếu đang sử dụng aspirin, thông thường cần phải ngưng aspirin 7 ngày trước đó.

Aspirin thường được bác sĩ kê đơn cho những bệnh nhân xơ vữa động mạch, có tiền sử bị nhồi máu cơ tim, từng phẫu thuật tim, các bệnh nhân bị đau thắt ngực, những người có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch, bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, việc sử dụng aspirin để hỗ trợ hoặc ngăn ngừa các bệnh tim mạch cần theo sự chỉ định rõ ràng của bác sĩ, không nên tự ý mua dùng.

Khi sử dụng aspirin, cần chú ý không nên uống lúc đói bụng. Uống aspirin sau khi ăn với một ly nước đầy sẽ tránh được sự kích ứng dạ dày. Đối với những loại viên bao aspirin, bệnh nhân phải nuốt nguyên viên, không được bẻ đôi, nghiền hoặc nhai; không nên uống rượu, bia chung với aspirin vì càng làm tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa; không sử dụng aspirin chung với những loại thuốc kháng viêm không steroid.

Gần đây, thị trường xuất hiện sản phẩm tinh thể aspirin (crystal aspirin) hòa tan trong miệng khi đặt dưới lưỡi, thuốc ngấm qua lưỡi đi vào hệ tuần hoàn máu giúp bệnh nhân tránh được những tác dụng phụ cho hệ tiêu hóa như xuất huyết dạ dày... Đối với loại này, bệnh nhân cần để trong miệng cho tan hết chứ không được nhai hoặc nuốt.

Sốc tim dễ gây tử vong

Tim bơm máu nhằm cung cấp ôxy đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, kể cả chính trái tim. Khi động mạch dẫn tới tim “mắc kẹt” làm tim không đủ máu hoặc oxygen khiến những tế bào tim bắt đầu chết dần. Tác nhân gây nhồi máu cơ tim bao gồm: khói thuốc, chế độ ăn uống nhiều chất béo, cơ thể thiếu hoạt động, tiền sử gia đình, béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp... Ngoài chứng nhồi máu cơ tim, tim cũng có thể lên cơn sốc khi quá “oải”, mất khả năng bơm máu để cung cấp theo yêu cầu cơ thể. Đây là trạng thái vô cùng nguy cấp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không cứu chữa kịp thời. Nguyên nhân thường do cơ tim bị tổn thương sau khi xảy ra cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng. Không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng đều bị sốc tim, tuy nhiên, sốc tim lại là thủ phạm gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.