Thế giới lo lắng khi Trung Quốc kiểm soát nguồn cung kim loại quan trọng trong giới công nghệ

Thu Thảo
Thu Thảo
20/10/2018 10:56 GMT+7

Có thể bạn chưa từng nghe về neodymium, song có lẽ bạn đang mang một ít kim loại này bên mình ngay lúc này.

Neodymium có trong điện thoại di động, tai nghe và còn có thể có trong ô tô. Đây là một trong 17 nguyên tố tương tự về mặt hóa học, được gọi là đất hiếm. Nhu cầu kim loại này đang gia tăng.
“Neodymium chịu trách nhiệm cho hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, sự tăng trưởng trong nhu cầu đất hiếm lúc này”, Phó giám đốc Roderick Eggert của Viện Vật liệu  quan trọng tại Trường Khai thác Mỏ Colorado cho hay.
Để iPhone rung được, để AirPod chơi nhạc được, để tua-bin gió có thể quay và để động cơ Toyota Prius hay Tesla Model 3 quay được, chúng cần nam châm mạnh. Nếu bạn kết hợp neodymium với sắt và boron, bạn có nam châm neodymium-iron-boron, loại nam châm vĩnh cửu mạnh nhất từng được chế tạo.
Nam châm neodymium-iron-boron là thành phần quan trọng trong điện thoại di động... Ảnh: Respectful Insolence
Với điện thoại di động và tai nghe, sử dụng nam châm neodymium đồng nghĩa với việc chúng có thể nhỏ bé song vẫn mạnh mẽ. Với động cơ, sử dụng nam châm vĩnh viễn giúp chúng mạnh hơn, hiệu quả hơn với ít linh kiện điện tử hơn.
Nam châm nghe có vẻ bình thường và chỉ để gắn lên tủ lạnh trong nhà, song theo hãng nghiên cứu thị trường IMARC, thị trường nam châm neodymium-iron-boron trị giá đến 11,3 tỉ USD năm 2017. “Trong vài thập niên tới, chúng tôi dự báo có khoảng 1 triệu ô tô điện trên đường phố Mỹ, khiến nhu cầu neodymium tăng vọt”, CEO Import Genius, ông Michael Kanko, cho hay.
Đầu năm nay, Tesla trở thành một trong vài nhà sản xuất xe điện sử dụng động cơ với nam châm neodymium. Nam châm được gắn trong mẫu Tesla Model 3. Hãng Mỹ nhập khẩu hơn 2.000 tấn phụ tùng ô tô từ Trung Quốc và Đài Loan. Phần lớn trong số này là động cơ điện có nam châm neodymium, ông Kanko cho hay.
... và tai nghe Ảnh: Shutterstock
Nhu cầu về kim loại đất hiếm đang vượt nguồn cung, vốn ở khoảng 3.000 tấn mỗi năm. Hiện tại, nguồn cung này đến từ Trung Quốc. Hơn 80% neodymium toàn cầu xuất xứ từ đây. Chỉ trong năm 2017, Trung Quốc khai thác 105.000 tấn kim loại đất hiếm, trong khi Mỹ chỉ sản xuất 43.000 tấn kim loại loại này trong suốt 20 năm qua.
“Mỹ từng là nước sản xuất quan trọng các loại kim loại hiếm từ mỏ có tên Mountain Pass ở nam California. Trong thập niên 1960, 1970, mỏ này chiếm ưu thế trong việc đào kim loại đất hiếm cho thế giới. Song khi các mỏ Trung Quốc được phát triển vào thập niên 1980, 1990, mỏ Mountain Pass dần phá sản”, ông Eggert cho hay.
Cũng tầm thời gian kể trên, Trung Quốc đầu tư mạnh vào khai thác, sản xuất các loại kim loại đất hiếm và thành công. Từ cuối những năm 1990 đến năm 2010, nước này trở thành cái tên chiếm ưu thế. Hiện Đại lục kiểm soát phần lớn thị trường, ông Kanko cho biết.
Neodymium cũng có mặt trong xe điện Ảnh: Reuters
Rủi ro khi dựa đáng kể vào một nguồn cung đối với loại hàng hóa có giá trị như thế thể hiện rõ hồi tranh chấp thương mại Trung Quốc - Nhật Bản năm 2010. Giá mỗi tấn neodymium tăng từ 50.000 USD năm 2010 lên 250.000 USD năm 2011. Hiện giá đã giảm lại, song lo ngại thì vẫn còn. Đơn cử, mới đây hãng Toyota phát triển nam châm giảm neodymium mới vì sợ thiếu cung neodymium.
Kim loại đất hiếm đến nay tránh được chuyện bị đưa vào danh sách áp thuế quan mới của Mỹ lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong danh sách áp thuế 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc được đề xuất ban đầu vẫn có tên neodymium và nhiều kim loại đất hiếm khác, song sau đó được miễn.
“Điều này cho thấy kim loại này quan trọng thế nào với kinh tế Mỹ, thể hiện rằng chúng ta lo lắng về nó”, ông Kanko nhận định. Thực tế, kim loại dạng này quan trọng đến mức Mỹ sắp khởi động sản xuất nó thêm lần nữa. Mỏ Mountain Pass mới đây thoát cảnh phá sản nhờ hãng đầu tư có tên MP Materials.
Dù thế, MP Materials vẫn phải gửi nguyên liệu tới Trung Quốc để tinh chỉnh thêm. Nguồn tin thân cận với doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch sản xuất hoàn toàn tại Mỹ trong 18 tháng tới. Song mọi chuyện sẽ không đơn giản. Lịch sử cho thấy việc xử lý kim loại dạng này gây ra nhiều hậu quả về môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.