Không ai biết rằng, cậu bé đó sau này là một thiên tài quân sự, một tượng đài về nhân cách mà bây giờ người dân quê ông vẫn gọi bằng hai từ giản dị, thân yêu: Bác Giáp.
Là một người lính, chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ ông, là một người đồng hương, chúng tôi vô cùng tự hào về ông. Ông là chỗ dựa tinh thần vững chãi bất luận cuộc đời có nhiều biến cố thăng trầm.
Một tuần sau siêu bão số 10 tàn phá mảnh đất Quảng Bình, khi đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên đang cứu trợ tại huyện Lệ Thủy, giữa ngổn ngang mưa lũ, cây gãy, nhà sập chưa kịp dựng lại... tối 4.10, người dân quê ông nhận được hung tin: Bác Giáp đã qua đời!
Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc đời không ai tránh khỏi, vẫn biết vào tuổi 103 đại thọ của ông là phúc lớn của dân tộc, nhưng tin này vẫn như sét đánh ngang tai. Nhiều người lớn bất chợt òa khóc dù miệng vẫn nói không thể nào tin.
Dòng Kiến Giang vốn dĩ trong xanh, đang mùa mưa lũ đục đỏ phù sa. Bến sông làng An Xá, nơi mỗi lần về quê ông đều xuống khoát nước rửa mặt, nở nụ cười hồn nhiên như ngày thơ trẻ không vướng chút bụi trần hôm nay lại là nơi tụ tập của người làng. Họ đứng đó, tất cả đều hy vọng tin bác Giáp mất không là chính xác, nhưng sự thật đã làm tất cả lặng im.
Có một cảm giác chông chênh, thật sự chông chênh, như thể trong nhà mất đi người trụ cột.
Làng Lộc An quê tôi ở bên kia sông, đối diện làng bác Giáp, người dân hay tin dữ cũng đổ về bến sông mà ngóng sang phía nhà bác, giống như họ đứng để được nhìn thấy bác mỗi khi về làng. Đó là hình ảnh từng in đậm vào ký ức thế hệ chúng tôi, chúng tôi đã mang theo nó trong suốt những ngày vào chiến trường khốc liệt, và đều tự hào mình là “lính ông Giáp”.
Cả dân tộc VN qua mấy cuộc kháng chiến trường kỳ đã là lính của ông, dưới sự chỉ huy của vị tướng tài ba thao lược đã làm nên những kỳ tích lịch sử, chấn động địa cầu. Tự hào thay, thời bình, ông là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, của sự kết nối VN và các nước trên thế giới.
Cho đến sáng qua, khi chúng tôi có mặt tại huyện Lệ Thủy, làng An Xá, nhiều người dân quê bác Giáp vẫn chưa biết hung tin (có hai người phụ nữ nghe tin đến thắp hương trên bàn thờ nhưng cả hai đều bảo còn chờ báo tang); nhiều cán bộ huyện, tỉnh vẫn chưa hay tin. Một phần vì hầu hết vẫn còn mất điện, một phần họ không tin vào những gì chưa phải là “thông tin chính thống”.
Sau phút bối rối, cuối cùng họ cũng phải hiểu ra đó là sự thật, ai nấy đều cắn môi, mắt ngân ngấn lệ.
Nguyễn Thế Thịnh
Bình luận (0)