‘Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam’: Sân chơi của các công ty khởi nghiệp

21/03/2020 08:00 GMT+7

Cuộc thi “Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam” (QVIC) năm 2020 hứa hẹn là một sân chơi hấp dẫn với mục tiêu thúc đẩy đổi mới và sáng tạo công nghệ giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

QVIC được liên kết với chiến dịch Make in Vietnam của Chính phủ, khuyến khích các công ty công nghệ Việt Nam sáng tạo, thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghệ tại địa phương. Mục đích của chương trình QVIC là thúc đẩy đổi mới sáng tạo của cộng đồng startup tại Việt Nam, phát triển sản phẩm trong các lĩnh vực công nghệ như 5G, Internet vạn vật (IoT), học máy/ Trí tuệ nhân tạo (AI), Thành phố thông minh, các thiết bị đeo, máy thực tế ảo (VR)... Thông qua chương trình này, Qualcomm sẽ đem đến các hỗ trợ cần thiết cho các startup Việt Nam bao gồm những giải thưởng tiền mặt, những hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ các chuyên gia của Qualcomm, giúp các công ty đăng ký bản quyền, hỗ trợ về mặt kinh doanh…
Trong buổi hội thảo trực tuyến “Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam” năm 2020 tổ chức vào ngày 12.3 vừa qua, tiến sĩ An Mei Chen (Tran My An) - Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Tập đoàn Qualcomm đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng xoay quanh chương trình và cuộc thi này.
- Xin bà cho biết điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam dự thi QVIC là gì và thời gian cuộc thi kéo dài bao lâu?
QVIC là cuộc thi dành cho tất cả các công ty tại Việt Nam, có đội ngũ người lao động đang làm việc tại Việt Nam, phát minh ra sản phẩm mới trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, Internet vạn vật (IoT), Học máy/ Trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh, các thiết bị đeo và thực tế ảo (VR).
QVIC được chính thức khởi động vào tháng 12.2019. Giai đoạn 2 là giai đoạn nhận đề tài đăng ký, kéo dài từ tháng 2 đến 1.5.2020. Trước tình hình dịch Covid-19, chúng tôi đang tính tới việc kéo dài hạn đăng ký, các bạn có thể theo dõi những cập nhật mới nhất trên website của chúng tôi. Chúng tôi sẽ công bố danh sách ứng viên rút gọn vào ngày 1.6.2020. Tiếp theo là Giai đoạn ươm mầm sẽ kéo dài 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12.2020, và chúng tôi sẽ chọn ra danh sách chung kết vào tháng 1.2021.
- Tham gia cuộc thi này các startup Việt Nam sẽ được hưởng những quyền lợi và hỗ trợ gì từ phía Qualcomm?
Cuộc thi có tổng giải thưởng lên đến 375.000 đô la Mỹ. 10 startup được chọn vào danh sách rút gọn, theo đó, mỗi công ty sẽ được nhận từ Qualcomm 10.000 đô la Mỹ cho hoạt động ươm tạo. Chúng tôi có một phòng Lab đầy đủ trang thiết bị ở Hà Nội, các công ty sẽ được sử dụng miễn phí đồng thời được các chuyên gia của Qualcomm đào tạo kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ công nghệ và hướng dẫn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Vào giai đoạn cuối, chúng tôi sẽ chọn ra ba người thắng cuộc: Giải thưởng cao nhất là 100.000 đô la Mỹ, giải nhì là 75.000 đô la Mỹ và giải 3 là 50.000 đô la Mỹ.
- Các ý tưởng tham gia QVIC có được bảo mật hay không? Nhiều công ty tỏ ra lo ngại khi chia sẻ ý tưởng của mình khi nộp đơn vào cuộc thi. Và liệu các startup có được giữ quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm của họ?
Chúng tôi có chính sách bảo mật nghiêm ngặt, không chia sẻ thông tin của các công ty gửi đến cho bất cứ ai khác. Nếu công ty nào được chọn vào danh sách rút gọn, chúng tôi sẽ khuyến khích họ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Các startup sở hữu 100% bằng sáng chế từ ý tưởng của họ. Qualcomm không sở hữu và cũng không phải là nhà đồng phát minh các ý tưởng này, mặc dù chúng tôi có thể hỗ trợ họ phát triển sản phẩm.
- Các công ty được chọn sẽ được sử dụng phòng Lab của Qualcomm như thế nào để phát triển sản phẩm? Liệu có hiện tượng quá tải hay không nếu nhu cầu sử dụng cao?
Các công ty được chọn sẽ được làm việc với đội ngũ của Qualcomm Việt Nam tại phòng Lab ở Hà Nội. Với khoản tài trợ ươm tạo 10.000 đô la, các công ty có đủ chi phí đi tới Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng tôi có đội ngũ hỗ trợ hữu ích, đội ngũ kỹ thuật có thể giúp các công ty điều chỉnh mẫu và tìm ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Chúng tôi tin rằng phòng Lab tại Hà Nội sẽ phục vụ các startup tốt hơn và hoàn toàn yên tâm không sợ có tình trạng quá tải phòng Lab.
- Xin cảm ơn bà. Chúc cuộc thi sẽ có kết quả tốt đẹp.
Qualcomm là công ty Mỹ, có hoạt động trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Công ty đã đầu tư hơn 60 tỉ đôla cho các hoat động R&D để thúc đẩy sự phát triển công nghệ viễn thông trên toàn cầu. Cuộc thi “Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam” (QVIC) 2020 là một phần trong cam kết liên tục của Qualcomm nhằm trao quyền cho các bên liên quan và doanh nghiệp Việt Nam phát triển hệ sinh thái công nghệ đất nước. Chương trình cũng đóng vai trò là nền tảng giúp các doanh nhân Việt Nam thâm nhập thị trường mới trên toàn thế giới.
Để đăng ký tham dự QVIC 2020 hoặc tìm hiểu thêm thông tin về cuộc thi, vui lòng truy cập https://www.qualcomm.com/company/locations/vietnam/vietnam-innovation-challenge.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.