Trí tuệ nhân tạo viết lời bài hát cho nhạc kịch

03/01/2021 19:16 GMT+7

Trong một lần ngẫu hứng, cậu sinh viên Eli Weiss đến từ Đại học Chapman ở California (Mỹ) đã thử dùng một phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để viết lời cho vở nhạc kịch Hamilton.

Phần mềm đó là Shortly Read, vốn được thiết kế dựa trên GPT-3. GPT-3 là mô hình tạo văn bản do công ty OpenAI chế tạo. Bằng cách học từ cơ sở dữ liệu khổng lồ, mô hình này có thể tạo những đoạn văn mạch lạc như được con người viết ra. Thế nhưng không ít người lo sợ GPT-3 sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để lan truyền tin giả trên mạng xã hội, hay GPT-3 sẽ cướp mất cơ hội của những người làm việc liên quan đến chữ nghĩa. Chính vì lo sợ tác hại xấu của GPT-3, Elon Musk đã ngừng hỗ trợ cho các dự án của OpenAI.

Shortly Read được tạo ra với mục đích hỗ trợ người viết

Ảnh: Chụp màn hình

Giao diện của những phần mềm tạo văn bản này tương đối đơn giản. Để sáng tác lời bài hát, Eli Weiss chỉ cần nhập một yêu cầu: “Đây là lời cho ca khúc mới trong vở nhạc kịch Hamilton”. Phần mềm sẽ tự viết lời dựa trên giai điệu với cấu trúc bốn khổ, một đoạn điệp khúc và một đoạn dẫn (bridge), phản ánh chính xác nhân vật và mối quan hệ giữa họ trong câu chuyện.
Hamilton là vở nhạc kịch đa thể loại, bao gồm hip-hop, R&B, pop và nhạc soul. Lời bài hát mà AI viết ra được gieo vần nhịp nhàng như một bài thơ, vẫn trung thành với câu chuyện kể về nhân vật lịch sử Alexander Hamilton và có những câu nghe rất sâu sắc như: "Tôi đã tìm đường ra khỏi địa ngục, tôi đã bước chân qua nấm mồ. Tôi viết một bài hát về bạn, người duy nhất khiến tôi thấy yên lòng". Bên cạnh đó vẫn còn một số đoạn lộn xộn, chẳng hạn những đoạn nhắc đến cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Trí tuệ nhân tạo viết lời bài hát cho nhạc kịch

Cậu bạn của Weiss quay video hát theo lời ca khúc AI viết

Ảnh: Cnet

Quá thích thú với kết quả thu được, Eli Weiss và bạn mình đã khoe lời bài hát mà AI viết qua video đăng trên YouTube. Weiss tiếp tục dùng phần mềm Shortly Read để viết kịch bản, sáng tác lời cho một số ca khúc khác. Bản thân Weiss không thấy có gì đáng lo trong chuyện này, cậu cho biết: “AI được dùng ở khắp nơi để lấp đầy khoảng trống và điều chỉnh các tiểu tiết trong quá trình sáng tạo".
Trí tuệ nhân tạo đang dần thâm nhập vào những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo. Nhiều phần mềm AI có thể vẽ tranh, làm thơ, thậm chí sáng tác nhạc mô phỏng theo giai điệu từ các ca khúc của Elvis Presley hay Katy Perry.
Cách đây không lâu, công ty OpenAI cũng công bố phần mềm Jukebox có khả năng tạo giai điệu dựa trên dữ liệu âm thanh có sẵn. Nếu được sử dụng đúng cách, những phần mềm như Jukebox hay Shortly Read sẽ là công cụ đắc lực cho con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.