Vì sao việc phát triển vắc-xin Covid-19 còn gặp nhiều khó khăn?

20/04/2020 15:48 GMT+7

Ông Jeremy Farrar, một trong những chuyên gia tư vấn cho các bộ trưởng Vương quốc Anh cho rằng, ông rất lạc quan nhưng không có gì đảm bảo chúng ta sẽ tìm ra vắc-xin cho Covid-19 trong thời gian ngắn.

Chia sẻ với Sky News, ông Jeremy Farrar, giám đốc của tổ chức Wellcome Trust và là một trong những chuyên gia tư vấn cho chính phủ Anh về phản ứng trước Covid-19 cho biết, ông rất lạc quan với những nỗ lực phòng chống Covid-19, nhưng không nên đặt cược hoàn toàn vào một loại vắc-xin đặc hiệu chống lại Covid-19.
Theo ông, "sự thật là tính đến nay chúng ta vẫn không có bất kỳ loại vắc-xin nào dành cho các chủng virus Corona ở người, từ các chủng Corona gây ra cảm lạnh thông thường, cho đến SARS, MERS… Do đó, không có gì chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra được vắc-xin cho chủng Corona mới”.
Ngoài ra, ông cũng tin tưởng vào các nỗ lực của các bên liên quan đang thực hiện, “Tôi rất lạc quan nhưng không phải là vào vắc-xin hay các phương pháp điều trị, xét nghiệm, chẩn đoán… Quan trọng là chúng ta phải có tất cả những thứ này và phải sử dụng chúng song song với nhau vì chúng ta không có cái nào chắc chắn hiệu quả trong số những thứ đó cả”.
Ông hy vọng sẽ có một vắc-xin hiệu quả vào cuối năm nay nhưng sẽ cần thêm thời gian để phổ biến nó trên toàn cầu, nếu chúng ta tạo ra được vắc-xin vào cuối năm 2020 hoặc trong năm 2021, chúng ta sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực sản xuất hàng tỉ liều để cung cấp cho hàng tỉ người trên toàn thế giới. Do vậy, nếu chỉ tập trung để tạo ra một vắc-xin an toàn và hiệu quả là chưa đủ, chúng ta phải vận dụng mọi phương pháp để chặn đứng dịch bệnh cho đến khi chúng ta có được loại vắc-xin này trên toàn thế giới. Bởi vì chỉ cần một ngóc ngách nhỏ nào đó trên thế giới còn bị nhiễm bệnh, có khả năng chúng sẽ sớm lan ra một lần nữa trên toàn thế giới.
Ông Jeremy cho biết thêm, “Tôi và mọi người đều hy vọng có vắc-xin vào cuối năm nay, nhưng đó mới là một vắc-xin trong phòng thí nghiệm, mà chúng ta tin là an toàn và hiệu quả. Chứ đó chưa phải là một vắc-xin đại trà sẵn sàng cho toàn thế giới”.
Trước đó, qua các xét nghiệm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà dịch tễ học đã phát đi cảnh báo rằng hiện không có bằng chứng nào cho thấy những người sống sót sau khi bị nhiễm Covid-19 mang theo kháng thể chống lại virus này, do đó họ cũng có thể tái nhiễm nếu lại tiếp xúc với virus.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.