Thành tỉ phú nhờ trồng rừng bền vững

15/10/2013 10:33 GMT+7

Trong khi nhiều người dân trồng rừng thường bán rừng non độ vài năm tuổi thì có một lão nông vẫn kiên trì với kế hoạch lâu dài của mình, chờ rừng đủ tiêu chuẩn, tuân thủ tiêu chí, quy định của chứng chỉ FSC (chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững) mới đưa vào khai thác. Ông là Lê Biên Hòa, ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, Gio Linh (Quảng Trị).

Trong khi nhiều người dân trồng rừng thường bán rừng non độ vài năm tuổi thì có một lão nông vẫn kiên trì với kế hoạch lâu dài của mình, chờ rừng đủ tiêu chuẩn, tuân thủ tiêu chí, quy định của chứng chỉ FSC (chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững) mới đưa vào khai thác. Ông là Lê Biên Hòa, ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, Gio Linh (Quảng Trị).

Thành tỉ phú nhờ trồng rừng bền vững
Tỷ phú gỗ rừng Lê Biên Hòa - Ảnh: Thụy Khuê

Cuộc chiến chống giặc đói

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Trung Sơn. Năm 1978, chàng thanh niên Lê Biên Hòa tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1984 xuất ngũ. Về quê với hai bàn tay trắng. Với bản chất của người lính, ông không thể đầu hàng cuộc sống khó nghèo. Phải bắt tay làm ăn. “Đất ni hồi nớ nghèo lắm. Sau chiến tranh, bom đạn giặc Mỹ để lại cho mảnh đất này toàn núi đồi cằn cỗi, chằng chịt hố bom hố đạn. Đúng như người ta nói, đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Nhiều đêm vắt tay lên trán nghĩ kế thoát nghèo. Cuối cùng tui bàn với vợ, đem hết số tiền dành dụm được mua hai con bò cái chăn thả. Hai vợ chồng nhận thêm ruộng khoán, chăm chỉ với cây lúa để giải quyết vấn đề lương thực cho cả nhà. Rồi chẳng biết nhờ nguồn cỏ tự nhiên tốt hay mình mát tay mà hai con bò cái cứ theo đà sinh sôi rất nhanh”. Hai con thành bốn. Cứ thế vài năm hai vợ chồng có trong tay cả đàn bò 29 con. Nhận thấy đất đồi rộng, ông khai hoang trồng hơn 200 gốc tiêu. Hạp đất, chăm bón đúng kỹ thuật nên tiêu sai quả. Mỗi năm thu được cỡ chục triệu đồng. Vậy là bớt được nỗi lo nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Không dừng lại ở đó, ông mày mò sách vở, xem ti vi, khăn gói lặn lội vào Tây Nguyên, rồi lang thang ra Huế, Nghệ An… học cách trồng cao su. Kiến thức hòm hòm, năm 1994, ông đầu tư trồng 1 ha cây cao su tiểu điền. Năm 1997, khi huyện triển khai Dự án trồng rừng Việt Đức, theo tiêu chuẩn, hai vợ chồng ông nhận 4ha rừng. Ông bảo, thời bấy giờ, bà con nhận rừng về trồng ít người quan tâm đến khâu bón phân cho cây lắm, phân được phát về nhiều người đem đi bón ruộng, riêng ông đặc biệt tuân thủ kỹ thuật trồng đã được hướng dẫn. Chính nhờ vậy mà 4ha rừng của ông phát triển khá thuận lợi. Nhận thấy đất đai còn nhiều, được sự ủng hộ, khuyến khích của chính quyền địa phương, ông mạnh dạn làm đơn xin thêm 10 ha đất đồi, liều lĩnh đầu tư 10 cây vàng mua cây giống, phân bón, thuê nhân công trồng cây keo lai F1. Hồi đó, 10 cây vàng là cả một gia tài không nhỏ, nhiều người hồ nghi vào sự táo tạo của ông. Nhưng, với bản chất người lính không lùi bước trước khó khăn, sự ủng hộ của gia đình, ông tin ở khả năng và nghị lực của mình.

Đưa gỗ rừng xuất ngoại

Sau 6 năm vật lộn chăm bẵm 10 ha rừng, đến năm 2003, lứa rừng đầu tiên cho thu hoạch gỗ mang về cho ông nguồn vốn tương đối. Có tiền, ông tiếp tục vay thêm 80 triệu đồng mua 15 ha đất rừng trị giá xấp xỉ ba trăm triệu đồng để tiếp tục mở rộng quy mô trồng rừng. Càng trồng càng say. Trong đầu ông lúc nào cũng ấn tượng bởi cuộc trò chuyện với một chuyên gia người Đức của Dự án “Quản lý rừng và kinh doanh lâm sản bền vững”. Đó là thời điểm vào năm 2007. Khi biết ông Hòa sở hữu diện tích rừng khá lớn đang kỳ thu hoạch, vị chuyên gia hỏi: “Ông nghĩ sao nếu chúng tôi giúp ông tăng gấp đôi giá trị gỗ rừng ông hiện có?”. Quá sửng sốt với lời đề nghị này, ông tham gia ngay vào chương trình dự án. Thời điểm đó, mỗi ha rừng 6 năm tuổi có giá 35 - 40 triệu đồng. Theo lời khuyên của chuyên gia để thêm hai năm bán giá lên đến 97 triệu đồng. Hiện ông Hòa sở hữu diện tích 30 ha. Rừng trồng theo chứng chỉ này tuân thủ theo 10 nguyên tắc, 54 tiêu chí do các tổ chức quốc tế về cấp chứng chỉ rừng FSC qui định. Trong đó, các tiêu chí đặc biệt quan trọng là cấm săn bắt động vật hoang dã; không được dùng máy cày, san ủi đất ảnh hướng đến thực bì, làm nghèo chất dinh dưỡng trong đất; giữ lại trên 5% cây bản địa; không được sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học gây hại môi trường; không được sử dụng lao động trẻ em; khai thác đúng thời gian... Năm 2010, ông Hòa bán 4ha rừng được cấp chứng chỉ  FSC, và mới đây nhất, ông vừa cho khai thác 10ha rừng thu về gần ba tỉ đồng. Trừ chi phí, lãi ròng hơn 2,2 tỉ đồng.

Với những kinh nghiệm thực tiễn và hiệu quả thu được từ trồng rừng theo đúng tiêu chuẩn chứng chỉ FSC, ông Lê Biên Hòa vinh dự được mời dự hội thảo về trồng rừng ở khắp nơi trong cả nước để truyền đạt kinh nghiệm cho bà con. Đặc biệt, chuyến đi hội thảo về  rừng bền vững tại Malaysia đã cho ông mở mang tầm mắt rất nhiều, học hỏi được nhiều điều bổ ích. Hiện tại, ngoài 30 ha rừng, ông còn sở hữu 3 ha cao su, 1 ha ruộng, chưa kể 1.000m2 tiêu mỗi năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Không chịu cho đất nghỉ, lão nông tỉ phú trồng rừng ở vùng đất Trung Sơn này đang từng ngày chăm bẵm cho sản phẩm của mình tham vọng 10 năm sau nâng chất lượng rừng của mình  đạt mức giá bán 300 triệu đồng/1 ha. “Gỗ quê mình đã xuất ngoại thì phải làm cho nó có giá trị đúng với tầm quốc tế”, ông Hòa nói.

Thụy Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.