Gần như cả thế giới cùng rúng động khi Flappy Bird trở thành một hiện tượng, đứng đầu danh sách Mobile Game thu hút người chơi trên thế giới trong một thời gian dài, cho đến khi chính tác giả game gỡ sản phẩm của mình ra khỏi hệ thống. Đó là một sản phẩm Việt Nam, được phát hành và thu hút người chơi bắt đầu từ Mỹ.
Với rất nhiều người làm game, Flappy Bird là một dự án mà các công ty lớn có thể sẽ không bao giờ xem là một dự án. Đó có thể là một phần nhỏ trong một kế hoạch lớn, nhưng là một sản phẩm riêng lẻ, một dự án game với mục đích kiếm doanh thu thì có thể sẽ bị bác bỏ ngay từ khi mới được đưa ra trên giấy. Chỉ bởi vì nó quá đơn giản, một dự án có thể chỉ thực hiện trong vòng… 3 ngày.
Và Nguyễn Hà Đông là minh chứng cho việc khoảng cách của những người sản xuất game mobile Việt Nam với thế giới không cách biệt quá nhiều. Điều đó khác hẳn so với nhiều ngành công nghiệp khác. Cũng khác hẳn so với chính ngành công nghiệp sản xuất game trước đây.
|
Người Việt mới bắt đầu tiếp xúc nhiều đến game online vào khoảng 10 năm trước, khi MU, Võ Lâm Truyền Kỳ phổ biến tại Việt Nam. Thế hệ sớm nhất tiếp cận với việc sản xuất Game tại Việt Nam có chưa đầy 10 năm kinh nghiệm. Nhưng nước ngoài đã có mấy chục năm sản xuất game. Những trò chơi kinh điển như Mario đã khuynh đảo thế giới từ hàng chục năm về trước. Khi các doanh nghiệp Việt Nam bước vào sản xuất game online, thị trường chỉ có các loại game cài đặt vào máy tính, các game phải sản xuất lúc đó đòi hỏi rất khắt khe về nội dung, cách chơi, đồ họa…
Với Game Mobile, mọi thứ thay đổi. Nội dung game thường đơn giản hơn. Cách chơi đơn giản hơn. Thời gian để chơi của một người sở hữu chiếc điện thoại thông minh hoàn toàn khác với khi họ ngồi trên máy tính: họ chơi bất cứ lúc nào họ rảnh và rút điện thoại ra khỏi túi!
Về phát hành và công nghệ sản xuất game, game mobile và sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay cũng đã mang đến nhiều thay đổi. Hầu như tất cả Game Mobile đều có thể phát hành trên cùng một hệ thống. Các công nghệ làm game cũng đã được phổ biến, và ở đâu cũng có thể áp dụng công nghệ như nhau.
Theo các nhà sản xuất game, khoảng cách quan trọng nhất là ý tưởng, hiểu biết và con người. Chúng ta còn thua nước ngoài nhiều nhất chính là nhân lực, phần nào đó là tài lực, và sự chuyên nghiệp.
Làm thế nào để có thể nắm bắt cơ hội với Game Mobile? Sẽ cần có rất nhiều nỗ lực, từ cả phía chính sách, lẫn sự vận động của doanh nghiệp. Như thông lệ đi trước của mình, các doanh nghiệp đã đầu tư, sản xuất rất nhiều Game Mobile, và cùng nhau, tìm cách để làm điều đó tốt hơn nữa.
|
Một buổi ngồi lại như thế sẽ diễn ra tại công ty VNG vào ngày 19/7 này. Với tên gọi Hội thảo phát triển ngành game 2014 (OGDC), những nhà làm game trong nước sẽ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi từ cả các chuyên gia nước ngoài, để nỗ lực sản xuất, cạnh tranh…
Đó là một nỗ lực ai cũng có thể nhìn thấy trước là rất đáng trân trọng. Nhưng, đó có thể cũng là nỗ lực mà ngay bây giờ, cần phải đặt ra câu hỏi, liệu có “tay lẻ khó vỗ” không? Dù Flappy Bird của Hà Đông từng ở trên đỉnh cao của thế giới, dù việc sản xuất Game Mobile đang có khoảng cách chung trên thế giới là không nhiều, thì, tiềm lực của doanh nghiệp, việc đào tạo nhân sự của xã hội và chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển của nhà nước vẫn là thứ mà các doanh nghiệp Việt rất cần, để cơ hội đang gần không xa ra, từng chút một.
Hội thảo phát triển ngành game (OGDC) 2014 do VNG tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 19/7 với sự tham gia của 26 diễn giả và 24 chủ đề. OGDC năm nay sẽ tập trung vào việc tổng quan lại thị trường Game trong năm 2013 nói chung, và thị trường game cho mobile nói riêng từ đó chia sẻ cách xây dựng một studio game trong tình hình hiện tại. Để đăng ký tham gia hội thảo, vui lòng truy cập: http://home.vng.com.vn/ogdc |
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)