Công nhân đi học - Kỳ 1: Những đốm lửa trong đêm

10/12/2009 10:52 GMT+7

Sau giờ tan ca, quệt giọt mồ hôi, nhiều công nhân đạp xe nhanh đến lớp học. Trong những lớp học sáng đèn ban đêm ấy biết bao bạn công nhân cặm cụi thu lượm từng con chữ nuôi khát vọng vươn lên.

Một ngày của Văn Thị Ngọc Nương (công nhân Công ty Mtex VN) bắt đầu từ 4g30: thức dậy ôn bài, rồi vào công ty làm việc đến 17g. Sau đó Nương tất tả đến trường cho kịp giờ vào lớp.

Là công nhân vất vả trăm bề nhưng nói đến sự bền bỉ và chịu khó thì bạn nào trong lớp tại chức ngữ văn Anh (ĐH KHXH&NVTP.HCM) cũng phải chào thua Nương.

Cắn răng đi học

“Để dành mấy đồng lương đủ đóng học phí là đã cạn túi rồi. Có bữa phải nhịn ăn đi học là chuyện bình thường” - Nương nói. Nhiều lúc hết tiền xài hoặc không đủ tiền đóng học phí, Nương phải mượn tiền “chữa cháy”. Công nhân phần lớn cùng cảnh nghèo như nhau, mượn ai cũng nghĩ nát óc.

Có lần đang lui cui học Nương đổ sập xuống. Mấy cô bạn học hốt hoảng bế đi cấp cứu. Bác sĩ bảo Nương bị suy nhược trầm trọng. Thế nên cứ thấy Nương đến lớp với gương mặt xanh xao là mấy cô bạn học “đuổi” về nhà nghỉ ngơi, chứ không lại lo Nương ngất xỉu trong giờ. Nhưng Nương thuộc dạng gan lì, ai nói gì thì nói, cứ cười cười rồi bày sách vở ra.

Buổi học nào về đến nhà cũng 10 giờ đêm. Nương ăn vội chén cơm nguội từ buổi sáng rồi học lại bài, khi chịu hết xiết mới chợp mắt. Phải học “ép xác” như thế vì theo Nương, “mình có ít thời gian, phải đua như vậy mới kịp theo mọi người”. Nương cho biết: “Mình học cả tiếng Anh, tiếng Nhật nên rất tin sau này sẽ kiếm được việc làm tốt, giờ chỉ nghĩ phải quyết tâm học cho xong”.

“Mình làm ở khâu đúc kim loại nên hại sức khỏe lắm, làm lâu dài không được nên cũng phải học thêm về bảo trì máy móc để sau này có nghề về quê làm phụng dưỡng cha mẹ”, Nguyễn Phú Khương (công nhân Công ty Juki VN) nói. Sau một ngày dài vừa làm vừa học, đến gần 22g Khương mới trở về phòng nhưng lại không dám đi nghỉ sớm vì “ôn hết bài xong mới yên tâm đi ngủ được. Học để có tương lai tốt hơn” - Khương nói đơn giản.

Đó cũng chính là khao khát của rất nhiều bạn công nhân đang hằng đêm cần mẫn tiếp thu chữ nghĩa tìm cơ hội vươn lên.

Học cho ngày mai

Bạn Lê Thị Thanh Thuận (công nhân Công ty Nissey VN) cũng đi học nhưng không dám cho gia đình ở quê biết vì sợ ở nhà lo. Nếu như những bạn nữ công nhân khác sau giờ làm ới nhau đi dạo chơi hay hò hẹn với bạn trai thì Thuận lại dành thời gian đó theo học lớp dược sĩ tại Trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành.

“Ngành mình học sợ nhất là nhớ các tên thuốc, rảnh lúc nào là nhẩm nhẩm viết viết cho nhớ chứ không là quên ngay”. Tan ca về là Thuận lao đến lớp, có hôm mệt quá ngủ ngon lành ngay trên lớp. “Cũng may giáo viên biết cảnh công nhân nên thông cảm. Nhưng dù vất vả thế nào cũng phải học, khi nào có được tấm bằng trong tay, kiếm được việc ngon lành thì báo cho ba mẹ biết vui luôn thể”.

Độc thân đi học đã khó, còn đã có gia đình như Lê Minh Toàn (công nhân Công ty Juki VN) lại càng khó thêm. Tờ mờ sáng, lúc con chưa ngủ dậy thì Lê Minh Toàn đã dắt xe đi làm, đến chiều tối anh lại ghé vào Trung tâm dạy nghề Bình Thạnh theo học lớp sửa chữa ôtô. Một ngày của Toàn với 16-18 giờ vừa học vừa làm, đôi khi thấy kiệt sức cũng muốn nghỉ ngang cho khỏe nhưng “thương vợ thương con thì phải đi học”.

Từ một năm trở lại đây, cứ phải đến 10 giờ đêm vợ chồng Toàn mới được gặp mặt nhau. Cả ngày vợ Toàn đi làm 8 tiếng rồi lại tăng ca, còn Toàn tan ca tranh thủ đi học đến tối mịt mới về, cũng là lúc đứa con nhỏ đã say giấc ngủ.

Những lúc công ty buộc tăng ca thì Toàn phải nghỉ học vài bữa, bài vở trên lớp cứ vậy mà chồng lên nhau. Chính vì thế mà khóa học chỉ với 18 tháng lại kéo dài đến hai năm với Toàn, để học bù cho những môn còn nợ. “Mình hứa với vợ con là trong năm năm nữa sẽ có được thu nhập 5 triệu đồng/tháng, nên bây giờ phải nỗ lực đi học để làm được điều đó. Thấy vợ gồng mình chịu khổ với chồng mà con nhỏ lại ốm yếu thì sao mà đành lòng được” - Toàn nói.

Tiếp sức cho công nhân đi học

Nhu cầu học tập trong công nhân rất lớn. Tuy nhiên các bạn cũng gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn của công nhân khi đi học là phải sắp xếp thời gian hợp lý trong hoàn cảnh đối diện với áp lực hoàn thành công việc tại công ty. Bên cạnh các công ty tạo điều kiện cho công nhân đi học như Pou Yuen, Huê Phong thì đa số công ty khác ít ủng hộ công nhân đi học.

 

Các bạn công nhân tìm hiểu chương trình cho công nhân vay vốn học tập tại phiên chợ vui lần 6 do Trung tâm Hỗ trợ công nhân tổ chức - Ảnh: Nguyễn Nam

Khoảng hai năm trở lại đây, khi phong trào công nhân đi học gia tăng thì trung tâm chúng tôi đã phối hợp với nhiều đơn vị trao các suất học bổng để hỗ trợ. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị đào tạo mở các lớp huấn luyện kỹ năng, tin học, ngoại ngữ để nâng cao chuyên môn cho công nhân. Nếu công nhân nào có hướng chuyển nghề cũng được tư vấn đến các trường nghề, trung cấp, cao đẳng… để theo học.

Ông Huỳnh Ngô Tịnh (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM)

 Theo NGUYỄN NAM - THANH THẢO/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.