Sau giờ làm tại các công ty, nhiều công nhân lại tất bật đi làm thêm: người dọn hàng ra chợ bán, người phụ bán quán, chạy xe ôm... mong kiếm thêm ít tiền lo tết cho gia đình, người thân ở quê nhà.
Hơn 22g, gió cuối năm se sắt lạnh, tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân, TP.HCM chỉ lác đác vài bóng người co ro về nhà nhưng Đặng Thị Diệu vẫn cố nán trông chờ những người khách cuối cùng. Hàng hoa tết của cô không gặp may, suốt buổi tối chẳng có khách đoái hoài. Bụi mù từ con đường đang làm phủ lấm lem thêm gương mặt hốc hác của Diệu.
Không làm thì khổ
Tôi dừng xe mua cho con bình hoa giả rẻ tiền có đèn chớp sáng, Diệu vui lắm! Cô nói tôi là khách mở hàng, tôi lặng nhìn đồng hồ đeo tay đã quá 22g đêm. Diệu kể quê mình tận ấp Long An B, xã Long Phú, H.Tân Châu, An Giang. Nhà ít ruộng, cô phải bươn chải ở TP.HCM gần ba năm để kiếm sống. Ban ngày, cô làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo. Hôm nào không tăng ca, Diệu lại buôn bán kiếm thêm ít tiền để trang trải cuộc sống đắt đỏ tại TP và gửi về cho cha mẹ ở quê nhà.
“Lương công nhân may khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng. Không mần thêm thì làm sao đủ sống mà lo cho ba má ở quê?” - Diệu vừa nhìn những người đi đường khuya vừa tâm sự. Hồi mới chân ướt chân ráo làm công nhân, cô phụ bán chè sau giờ làm, được trả công 10.000 đồng cho mỗi tối phụ bán từ 17g-22g. Về sau, cô lanh lợi hơn, tự lấy hoa giả ở Chợ Lớn về bán trước Khu công nghiệp Tân Tạo và tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân. Khách của Diệu đa số cũng là công nhân nên có tối ngồi còng lưng suốt từ 17g-23g chỉ kiếm được mấy ngàn đồng tiền lời. Lập gia đình ba năm nhưng Diệu chưa dám có con vì cả hai đều là công nhân. Cô tính nếu dịp cận tết này buôn bán được, dành dụm ít tiền mua cho chồng chiếc xe để ngoài giờ làm chạy thêm xe ôm thì họ mới dám có con.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Công nhân - công đoàn vào đầu năm 2011 thì lương chiếm khoảng 80%, còn lại là tiền làm thêm giờ, phụ cấp. Với giá cả thị trường đang tăng nhanh, thu nhập đó làm cuộc sống công nhân rất khó khăn. Trong khi đó, kết quả khảo sát của Ban Tuyên giáo trung ương và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM về tình hình đời sống người lao động tại riêng 16 khu công nghiệp - khu chế xuất ở TP cho thấy thu nhập bình quân của công nhân ở doanh nghiệp vốn nước ngoài là 2,8-3,2 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp trong nước là 2,7-3 triệu đồng/tháng. Trong đó, 65% là lao động nhập cư ở nhà trọ nên cuộc sống rất khó khăn. |
Năm nay kinh tế khó khăn, công ty ít đơn hàng nên dịp cuối năm ít tăng ca. Nhiều công nhân như Diệu phải ra phố làm thêm buổi tối. Người chạy xe ôm, người bán vé số, giúp việc nhà theo giờ, bán quần áo, đồ chơi, rau quả lặt vặt... để kiếm thêm thu nhập.
Ở chợ cóc trước Công ty Pou Yuen, Q.Bình Tân, công nhân Đỗ Duy Tấc đang ngồi co ro trước mẹt rau cải ế ẩm. Quê ở ấp 2, xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc, Đồng Nai, vì lương thợ quá thấp không đủ trang trải cuộc sống ở TP, lại thêm trách nhiệm với gia đình hai bên nội ngoại nên anh phải tranh thủ làm thêm sau giờ tan ca. Những bó rau nhỏ xíu cho công nhân giá chỉ 1.000-2.000 đồng mà nhiều hôm vẫn ế phải đổ bỏ. “Nhưng không bán thêm thì không đủ sống! Mình khổ thì còn ráng chịu, chứ ba má ở quê ai lo?”. Ngồi gần Tấc, mẹt bánh kẹo của công nhân Nguyễn Tuấn An, quê ở ấp 5, xã Bàu Đồn, H.Gò Dầu, Tây Ninh, cũng đang ế ẩm. Anh An lo lắng: “Nhận lương công ty, nhiều tháng tui không đủ tiền mua cả sữa bò cho con uống. Không nỡ nhìn con khổ, phải ra đường mần thêm. Nhưng bán ở chợ công nhân thì ai cũng khốn khó như nhau nên ế ẩm hoài”.
Trời cận tết còn trở cơn mưa đột ngột, đường phố vắng tanh. Tôi bất ngờ gặp anh công nhân Nguyễn Thịnh, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, đang bịt khẩu trang đi nhặt rác sau giờ làm ở nhà máy. Anh nghèn nghẹn tâm sự: đời làm thợ thì chẳng sợ gì bụi bặm, nhưng đi nhặt rác phải che mặt cho đỡ tủi, nhất là gặp đồng hương. “Bố mẹ kêu cố gắng năm nay thu xếp về quê ăn tết, lương thợ may giày tháng nào hết tháng đó. Chẳng lẽ đi biệt cả năm rồi vác người không về thăm bố mẹ!” - Thịnh kể anh cố nhặt rác đến 1g-2g sáng cũng kiếm được 50.000-70.000 đồng, có thêm ít tiền mua quà tết.
...Làm lại càng khổ
Ghé phòng trọ của hai vợ chồng công nhân Đỗ Duy Tấc gần Công ty Pou Yuen, thấy nỗi lo ngày tết hằn trên gương mặt họ. Có đứa con trai 3 tuổi, vợ chồng anh phải bươn chải làm thêm sau ca làm việc ở công ty. Họ không ngại khổ, chỉ thương nhất con thơ. Nhiều tối vợ tăng ca ở công ty, anh Tấc phải đưa con ra chợ rau vỉa hè với cha vì bé chưa thể tự ở phòng trọ một mình. Đứa trẻ không được mặc ấm, ăn no nhưng như hiểu thân phận, chỉ co ro ngồi chơi ở góc chợ sền sệt bùn lầy, cống rãnh. Nhiều đêm cha bán ế, ráng đợi khách, con ngủ gục bên đống rau úa.
Cực nhọc nhưng vợ chồng anh Tấc còn may mắn vì đã có con và được ở bên nhau. Vợ chồng công nhân Đặng Thị Diệu lấy nhau gần ba năm không dám sinh con vì sợ không lo nổi. Còn vợ chồng anh Nguyễn Tuấn An đã ly thân do không vượt qua nổi sự quay quắt thiếu thốn của cuộc sống gia đình. An kể anh bán rau sau giờ làm. Vợ sinh con nhỏ, vẫn phải đủ giờ làm ở nhà máy. Đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng. “Khổ quá, vợ chồng hục hặc nhau suốt”, anh buồn bã nói. Vừa rồi, vợ ly thân bỏ đi biệt tăm. Anh gạt nước mắt gửi con nhỏ về quê, vì một mình không lo nổi cho con.
Còn với anh công nhân Nguyễn Thịnh làm thêm việc nhặt rác thì tháng rồi vợ chồng anh mới gạt nước mắt, gửi con gái duy nhất cho ông bà nội già yếu nuôi. Nhớ con, anh nghèn nghẹn tâm sự: “Cháu đã tới tuổi học lớp 1. Mà học nửa ngày thì không ai ở nhà giữ, học bán trú thì tiền này tiền kia 2 triệu bạc mỗi tháng, mất đứt tháng lương rồi. Lương công nhân chúng tôi thật khó mà mong nuôi con tốt được”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)