Công nhân ở trọ được mua điện trực tiếp của điện lực

09/10/2008 08:42 GMT+7

Ông Huỳnh Trí Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực TP.HCM, đã cho biết như vậy về những giải pháp hỗ trợ công nhân, người lao động được mua điện đúng giá quy định.

Theo quy định hiện nay, phải có ít nhất 4 người/phòng trọ mới được hưởng giá điện sinh hoạt theo giá bậc thang. Nhưng trên thực tế, phần lớn công nhân (CN) làm việc tại KCX Linh Trung 1, Linh Trung 2 (phường Linh Trung và Bình Chiểu, quận Thủ Đức - TP.HCM) ở trong nhà trọ rất nhỏ, chỉ 2-3 người/phòng. Rất nhiều phòng trọ chỉ có hai vợ chồng hoặc hai cha con/hai mẹ con. Những trường hợp này có được hưởng giá điện bậc thang?

Bốn người - một định mức

Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Trí Dũng cho biết: Theo Quyết định 276/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 11/2006/TT-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), kể từ ngày 1.1.2007, CN, người lao động (NLĐ) khu vực phi kết cấu (tức những NLĐ tự do) tạm trú sẽ được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt theo giá bậc thang nếu đáp ứng đủ điều kiện về số người và thời gian tạm trú. Cụ thể, cứ 4 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận địa phương) có thời hạn thuê từ 12 tháng trở lên, dùng điện chung với điện kế của chủ nhà (mà chủ nhà ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với ngành điện) thì được tính là một hộ sử dụng điện. Giá bán điện (chưa thuế GTGT) là 550 đồng/KWh cho 100 KWh tiêu thụ đầu tiên trong tháng. Căn cứ theo quy định, mỗi phòng không đủ điều kiện để cấp một định mức nhưng cứ 4 người thì được cấp một định mức.

Công ty Điện lực TP.HCM bán điện theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Công thương. Với quy định này, nhiều hộ KT3 (có ít hơn 4 người) hoặc CN ở trọ 3 người/phòng trọ sẽ không đủ điều kiện hưởng giá điện theo quy định. Cũng theo ông Dũng, Công ty Điện lực TP.HCM sẽ kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy định hiện hữu để giảm thiểu những bất hợp lý, không có lợi cho CN, NLĐ.

Chủ nhà trọ bảo lãnh để CN mua điện

Các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc

Nhiều chủ nhà trọ chần chừ trong việc điều chỉnh định mức điện, kéo dài thời gian CN, NLĐ trả giá cao hơn quy định nhằm hưởng lợi. Trả lời phóng viên Báo NLĐ “ngành điện có giải pháp gì để hỗ trợ cho CN, NLĐ trong trường hợp này?”, ông Huỳnh Trí Dũng cho rằng việc bán điện cho CN, NLĐ theo đúng giá quy định đòi hỏi cần có sự phối hợp và hỗ trợ từ nhiều cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, Phòng Công thương, LĐLĐ quận, huyện..., bởi có những vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành điện. “Chúng tôi sẽ phản ánh lại những thông tin trên với các cơ quan chức năng để quyết tâm thực hiện bán điện cho CN, NLĐ theo đúng giá quy định” – ông Dũng nói.  

Hiện có một thực tế là nhiều người xây nhà trọ một nơi, nhưng lại ở nơi khác. Khi được đề nghị liên lạc với điện lực để làm thủ tục cho CN được mua điện theo đúng giá quy định, những chủ nhà trọ này rất ngần ngại. Theo ông Huỳnh Trí Dũng, để hỗ trợ cho CN, NLĐ ở trọ có điều kiện mua điện trực tiếp của ngành điện, Công ty Điện lực TP.HCM đã bổ sung hình thức cử người đại diện ký hợp đồng mua điện trực tiếp. Theo hình thức này, CN, NLĐ có nhu cầu không dùng chung điện kế với chủ nhà trọ sẽ ký hợp đồng trực tiếp với ngành điện với điều kiện người đại diện được sự bảo lãnh của chủ nhà trọ hay cơ quan nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú để hưởng định mức với giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang theo quy định. Như vậy, chủ nhà trọ chỉ cần bảo lãnh là đủ, mọi thủ tục khác, ngành điện sẽ làm việc với người ký hợp đồng mua điện.

Nâng định mức không cần tái ký hợp đồng

Để được hưởng định mức như một hộ gia đình, 4 người thuê nhà phải có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên. Ngành điện quy định như vậy nhưng UBND phường thì không chứng hợp đồng thuê phòng trọ từ 12 tháng trở lên. Muốn chứng hợp đồng, tất cả người ở trong phòng trọ phải đến phường ký, trong khi CN nghỉ một ngày làm đã rất khó. Trong khi đó, ông Dũng cho hay phía điện lực không thể giảm thủ tục bằng cách cho một người đại diện vì những “yêu sách” đã nêu trên là do cơ quan chứng thực đưa ra, chứ không phải điện lực.

Về điều kiện gắn đồng hồ điện cho những hộ KT3 (không cần phải ký hợp đồng thuê phòng trọ), ông Dũng cho biết nếu những hộ này ở riêng mà chưa có điện kế thì đăng ký với ngành điện để được lắp đặt điện kế. Trường hợp những hộ KT3 này ở chung với chủ nhà đã có điện kế thì tuân thủ theo quy định của Thông tư 11/2006/TT-BCN đã nêu trên.

Hiện nay, một số điện lực yêu cầu nếu chủ nhà trọ điều chỉnh tăng định mức điện (để bán lại cho CN đúng giá) phải ký lại hợp đồng mua điện. Cách làm này gây ra những cách hiểu khác nhau. Ông Dũng giải thích: “Theo quy định của Thông tư 11/2006/TT-BCN, chủ nhà trọ có thể đăng ký với điện lực để điều chỉnh tăng định mức điện giá bán lẻ sinh hoạt bậc thang cho CN, NLĐ thuê nhà để ở nếu họ đủ 2 điều kiện như đã nêu trên. Khi đó, ngành điện thực hiện thủ tục cho việc nâng định mức mà không cần ký lại hợp đồng mua bán điện”.

Nam Dương – Hồng Đào/Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.