Công quỹ Malaysia trong 'Lộ trình ma quỷ'

24/07/2016 09:48 GMT+7

Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) ngày 20.7 công khai kết quả điều tra gây chấn động về quá trình biển thủ và tiêu hoang nhiều tỉ USD từ Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB .

Kết quả cuộc điều tra còn tiếp diễn do Sáng kiến thu hồi tài sản Kleptocracy thuộc DoJ và Cục Điều tra liên bang (FBI) thực hiện cho thấy có ít nhất 3,5 tỉ USD từ 1MDB đã bị “một số quan chức tham nhũng xem công quỹ như tài khoản cá nhân” chuyển “rửa” bằng một loạt “giao dịch mờ ám” thông qua các tài khoản ở nhiều nước trên thế giới như Thụy Sĩ, Singapore và Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch trong cuộc họp báo tại Washington ngày 20.7 cũng tuyên bố việc khiếu nại dân sự lên tòa án liên bang yêu cầu tịch biên các tài sản trị giá 1 tỉ USD mà các cá nhân liên quan đến Quỹ 1MDB đã “rửa” qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Vụ yêu cầu kê biên tài sản lớn nhất kể từ khi Sáng kiến Kleptocracy ra đời năm 2010 được bà Lynch mô tả là “một bước đáng kể trong công cuộc chống tham nhũng toàn cầu và bảo đảm nước Mỹ không phải là bến đỗ an toàn cho những ai sử dụng công quỹ bất chính để tư lợi cá nhân”.
Bà Lynch cũng gọi việc biển thủ Quỹ 1MDB, vốn “được lập ra để thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống người dân Malaysia”, là “bất hạnh và bi kịch”.
Quỹ 1MDB do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Najib Razak sáng lập năm 2009 khi ông vừa nhậm chức. Trực thuộc Bộ Tài chính và do ông Najib điều hành, 1MDB gây quỹ bằng trái phiếu chính phủ và đầu tư vào các dự án hóa dầu, mua các nhà máy năng lượng ở nước ngoài. Đến năm 2014, quỹ này có dư nợ đến hơn 11 tỉ USD.
Ngoài các nhà máy bị chỉ trích là được mua với giá đắt hơn giá trị thật và gây thua lỗ, các cáo buộc tham nhũng đối với ông Najib cũng xuất hiện dồn dập gây chao đảo chính trường Malaysia. Công chúng, các đảng phái đối lập lẫn những quan chức trong đảng UMNO cầm quyền yêu cầu điều tra 1MDB và các cáo buộc chống ông Najib.
Đầu tháng 7.2015, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn nguồn cơ quan điều tra giấu tên cho hay tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib đã nhận 681 triệu USD từ 1MDB. Ông Najib một mực bác bỏ, đòi kiện tờ báo này, cách chức Phó thủ tướng Muhyiddin Yassin và Tổng chưởng lý Abdul Gani Patail là những người công khai phê phán ông, bắt một số cảnh sát tham gia điều tra 1MDB. Tân Tổng chưởng lý Mohamed Apandi, nhân vật thân cận với ông Najib, sau đó đã kết luận Thủ tướng Najib không tham nhũng và Quỹ 1MDB không có sai phạm gì. Số tiền 681 triệu USD được kết luận là “quà tặng chính trị” của hoàng gia Ả Rập Xê Út giúp ông Najib tranh cử hồi năm 2013 và đã được trả lại phần lớn.
Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak tại một sự kiện ở Kuala Lumpur tháng 10.2015 Reuters
“Lộ trình ma quỷ”
Trong hồ sơ dài 136 trang mà DoJ trình lên tòa án ngày 20.7, đối tượng bị tịch biên là quyền sở hữu bộ phim Sói già Phố Wall (The Wolf of Wall Street) cùng các nguồn lợi tài chính liên quan mà người thụ hưởng là Công ty Red Granite Pictures của Riza Aziz, con trai riêng của phu nhân Thủ tướng Najib. Riza, 34 tuổi, từng làm ngân hàng ở London (Anh) trước khi chuyển sang ở Mỹ. Red Granite do ông đồng sáng lập năm 2010 tại Los Angeles đã chi khoảng 100 triệu USD, từ tiền biển thủ Quỹ 1MDB, cho bộ phim do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai chính. Khôi hài thay, bộ phim được nhiều đề cử giải thưởng Oscar năm 2013 kể đúng câu chuyện một tay môi giới chứng khoán xảo quyệt ở thị trường tài chính Mỹ, mục tiêu săn đuổi của FBI.
Ngoài Red Granite, hồ sơ DoJ cũng liệt kê nhiều cá nhân và thực thể liên quan, gồm một loạt công ty và quỹ đầu tư của chính quyền Abu Dhabi (UAE) có làm ăn với 1MDB, 3 nhân viên của 1MDB được giấu tên, công dân UAE Khadem Al Qubaisi từng là giám đốc điều hành quỹ đầu tư dầu khí quốc tế của Abu Dhabi (IPIC) và chủ tịch công ty con của IPIC là Aabaar Investment PJS, công dân Mỹ Mohamed Ahmed Badawy Al-Husseiny từng là Tổng giám đốc Aabaar Investment PJS.
Nhưng đáng chú ý trong số các cá nhân liên quan, ngoài Riza Aziz, là Low Taek Jho (thường được gọi là Jho Low, cũng 34 tuổi) - doanh nhân Malaysia vốn giúp ông Najib sáng lập và điều hành 1MDB, và Eric Tan Kim Loong - công dân Malaysia có quan hệ thân thiết với Jho Low và được ghi nhận là người sở hữu Tanore Finance Corporation có trụ sở ở Singapore.
Đặc biệt, hồ sơ DoJ có một cá nhân liên quan được mật hóa là “QUAN CHỨC MALAYSIA số 1”. Người đặc biệt này được mô tả là “quan chức cấp cao trong chính phủ Malaysia”, “nắm vị trí quyền lực đối với 1MDB” và có quan hệ gia đình với Riza Aziz. Mặc dù Bộ trưởng Loretta Lynch trong cuộc họp báo đã né tránh xác nhận danh tính “quan chức” này, nhưng không ai không hiểu đó chính là Thủ tướng Najib Razak.
Người ta cho rằng Thủ tướng Malaysia có liên quan đến vụ lùm xùm quỹ đầu tư 1MDB Reuters/AFP
Quá trình biển thủ và “rửa” 3,5 tỉ USD từ Quỹ 1MDB, trong đó có 1 tỉ USD đi qua hệ thống ngân hàng Mỹ, được thực hiện từ năm 2009 đến 2015 bằng một “âm mưu quốc tế” lắt léo qua “nhiều tầng lớp và thủ đoạn nhằm che giấu bản chất các giao dịch và nguồn gốc dòng tiền”. Khái quát hóa, DoJ chia “lộ trình ma quỷ” này làm 3 trường đoạn:
Từ 2009 - 2011, dưới danh nghĩa đầu tư vào liên doanh 1MDB - PetroSaudi International (công ty khai thác dầu khí tư nhân của Ả Rập Saudi), 1 tỉ USD từ 1MDB đã được chuyển vào tài khoản của Công ty Good Star Ltd ở ngân hàng Thụy Sĩ. Good Star được lập ra ở đảo Seychelles, một thiên đường rửa tiền tại Ấn Độ Dương, vào tháng 5.2009 và Jho Low là người đứng tên sở hữu.
Tháng 3.2012, Công ty Aabaar Investment PJS Ltd (được gọi tắt là Aabaar-BVI), một “công ty ma” có cái tên đánh lận con đen với Aabaar Investment PJS, ra đời ở “bến đỗ” của tiền bẩn và trốn thuế - British Virgin Islands (quần đảo Virgin thuộc Anh) trong biển Caribbean. Aabaar-BVI đã nhận 1,3 tỉ USD từ tiền bán 2 loạt trái phiếu do 1MDB và IPIC bảo lãnh và từ đó chuyển 238 triệu USD cho Red Granite của Riza Aziz ở Mỹ, một phần cho Eric Tan Kim Loong ở Singapore và nhiều “địa chỉ” khác.
Sau đó 1 năm, 1MDB tiếp tục bán trái phiếu đợt 3 được 3 tỉ USD và chuyển 1,26 tỉ USD tài khoản ở Singapore của Eric Tan.
Sau công bố chấn động từ Mỹ, ngày 21.7, Văn phòng công tố, Tổng cục Tiền tệ và lực lượng cảnh sát Singapore cũng ra thông cáo về việc điều tra hàng loạt giao dịch đáng ngờ của những cá nhân liên quan 1MDB từ tháng 3.2015. Thông cáo cho hay Singapore đã tịch thu các tài khoản ngân hàng và bất động sản trị giá 180 triệu USD, trong đó gần một nửa là của Jho Low và người thân của ông ta.
Xài tiền chùa
Đã là “tiền chùa” thì “cha chung không ai khóc” nên những đồng công quỹ vay mượn bị biển thủ của 1MDB đã được chi xài một cách hoang phí vô độ. Theo hồ sơ DoJ, với số tiền 238 triệu USD nhận từ Aabaar-BVI, Riza Aziz đã mua căn hộ tầng thượng trong tòa nhà Walker Tower ở New York với giá 50,9 triệu USD, biệt thự Laurel Beverly Hills ở Los Angeles 31 triệu USD, biệt thự Hillcrest ở Beverly Hills 15 triệu USD, biệt thự Qentas ở London 41,8 triệu USD, đổ gần 100 triệu USD vào bộ phim Sói già Phố Wall và vứt 25 triệu USD vào các sòng bạc ở Las Vegas. Trong khi đó, tay chơi Jho Low, bạn thân thiết của Riza Aziz, cũng ném hàng chục triệu USD vào các bất động sản thượng lưu rải từ New York đến Los Angeles, đồ trang sức, du thuyền, tranh quý, sản xuất âm nhạc, thậm chí máy bay cá nhân Bombardier Global 5000.
Báo The Straits Times cũng cho hay Jho Low đã mua 2 căn hộ chung cư Twenty-One Angullia Park ở khu thượng lưu Orchard Boulevard của Singapore với giá 31,6 và 8,5 triệu USD hồi 2013. Với mức giá lần lượt 44.045 và 40.391 USD/m2 sàn, Jho Low đã “lập kỷ lục” về độ chịu chi cho mỗi đơn vị diện tích sàn trong tòa chung cư này. Mặc dù đã hoàn thiện năm 2014, nhà đầu tư cho biết hiện chỉ có 10 trong số 54 căn hộ của chung cư tìm được chủ.
“Đốt tiền” ở Hollywood
Nhân dịp Bộ Tư pháp Mỹ đưa vụ 1MDB ra tòa, trang tin The Hollywood Reporter cũng lật lại “lịch sử ăn chơi” của “đôi bạn” Malaysia đồng tuổi 34 - Riza Aziz và Jho Low. Đều là con nhà giàu, 2 thanh niên này đã sang Anh từ bậc trung học. Họ gặp nhau ở London và nhanh chóng kết thân. Jho học cử nhân kinh tế ở Mỹ từ năm 2000 trong khi Riza chỉ rời Anh sau khủng hoảng tài chính 2008. Khi cha dượng của Riza là ông Najib Razak trở thành Thủ tướng Malaysia, Jho Low được bổ nhiệm làm cố vấn cho quỹ đầu tư nhà nước do ông Najib sáng lập vào tháng 4.2009.
Liền sau đó, Jho Low bắt đầu ăn chơi và la cà với giới văn nghệ ở Hollywood. Tờ The New York Post từng gọi Low là “người đàn ông quốc tế bí ẩn” khi anh ta trả hóa đơn 160.000 USD cho một quán bar ở New York vào tháng 9.2009. Một tháng sau, Low gửi đến hộp đêm 1OAK ở Las Vegas 23 chai sâm banh Cristal mừng sinh nhật thứ 23 của cô đào ăn chơi Lindsay Lohan. Cho đến năm 2012, Low nổi như cồn ở Las Vegas và những cái tên đình đám như Britney Spears, Kanye West, Jamie Foxx, Paris Hilton và Leonardo DiCaprio đã trở thành khách mời cho các bữa tiệc với hóa đơn hàng triệu USD của Low. Người ta còn thấy Leonardo DiCaprio cặp kè Low vào sòng bạc... Những “giai thoại” ăn chơi của Low kéo dài vô tận. Cho đến tháng 7.2015, có tin nói rằng Low đã “tị nạn” ở Đài Loan, nơi không có hiệp định dẫn độ với Mỹ hay Malaysia. Còn Riza cũng “mất hút” từ tháng 5.2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.