Công tác đảm bảo ATVSTP dưới mắt người dân

08/08/2005 18:33 GMT+7

Trước và sau khi tổ chức hội thảo “Thực trạng ATVSTP và biện pháp quản lý" sáng 5/8, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết đề cập thực trạng đáng báo động của vấn đề vệ sinh thực phẩm đồng thời tìm hiểu thực tế công tác quản lý của cơ quan chức năng. Bạn đọc đặc biệt quan tâm đến nội dung này và đã gửi đến Thanh Niên nhiều ý kiến phản hồi.

Muốn kiểm soát được cần rất nhiều hoạt động phối hợp 
 
Tôi là người làm trong nghề chế biến thực phẩm, mặt khác tôi cũng là người tiêu dùng. Xã hội bức xúc với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế thì việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trên thực tế rất khó thực hiện.

Điều đầu tiên tôi nghĩ phải có những chế tài chặt chẽ, tiếp đó là xây dựng luật hoàn chỉnh. Dựa trên bộ khung pháp luật đó mới có khả năng quản lý. Tuy nhiên việc quản lý không đồng nghĩa với việc kiểm soát được hoàn toàn. Điều này không chỉ trông chờ vào hệ thống quản lý mà phụ thuộc rất nhiều vào ý thức người sản xuất và người tiêu dùng, nói chung là phụ thuộc vào thái độ của xã hội. Khi người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua hàng hóa giá rẻ và không đảm bảo vệ sinh thì người sản xuất không bao giờ nghĩ đến việc nâng cao sự vệ sinh trong quá trình sản xuất cũng như lưu thông sản phẩm thực phẩm.

Dù bức xúc, nhưng chúng ta nên xác định con đường đạt được vệ sinh cho toàn bộ thực phẩm trên thị trường còn vô cùng xa vời. Khi kiến thức, ý thức, mức sống cũng như các điều kiện vật chất khác còn chưa đạt đến mức trung bình thì việc đảm bảo ATVSTP cũng chưa thể triệt để. Động thái tích cực nhất cho vấn đề này theo tôi là mở rộng truyền thông theo hướng phổ biến kiến thức, giáo dục ý thức, và xây dựng hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện. Báo chí sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các điều kiện cơ bản này. Báo chí cũng không nên đưa nhưng thông tin không đầy đủ và một chiều gây ra tác dụng ngược như các cung cấp thông tin quá chi tiết, mô tả quy trình sản xuất, cách sử dụng phụ gia không được phép (sẽ giống như hướng dẫn cho các đối tượng chưa sử dụng biết cách sử dụng), hoặc các thông tin chưa được xác định rõ như trứng gà giả, xoài giả, vải nhãn nhiễm virut viêm màng não gây ra nhiều hậu quả cho người sản xuât.

Minh (Hà Nội)

ATVSTP: Nếu kiên quyết với cái sai thì cũng không quá khó
 
Tôi hoan nghênh sáng kiến của Báo Thanh Niên mở chuyên mục về vệ sinh an toàn thực phẩm, một vấn đề đáng báo động trong cuộc sống của mỗi người dân khi các cơ quan chức năng tỏ ra kém năng lực trong việc kiểm soát vấn đề này. Thú thực là tôi không hiểu các cơ quan chuyên trách về vệ sinh thực phẩm làm gì trước những việc làm đáng sợ của các cơ sở chế biến thực phẩm, từ chuyện hàn the đến phoóc-môn và những hóa chất độc hại khác mà người tiêu dùng không thể biết. Thỉnh thoảng mới thấy có những đợt ra quân rầm rộ (tất nhiên là các cơ sở chế biến đều biết và đối phó) nhưng cũng chỉ giải quyết được bề nổi mà thôi.

Ngoài việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở chế biến thực phẩm đối với sức khoẻ con người, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần thực hiện kiểm tra thường xuyên và không báo trước các cơ sở, nhà hàng kinh doanh ăn uống, đồng thời có chế tài xử phạt thật nặng đối với những trường hợp vi phạm và không cho phép kinh doanh (việc này giao trách nhiệm cho Ban quản lý chợ nếu hộ kinh doanh trong chợ, đối với các cơ sở sản xuất thì giao cho xã, phường chịu trách nhiệm..), dù chỉ vi phạm 1 lần Cần quán triệt chủ trương này tới từng hộ chế biến, kinh doanh. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta xử lý với thái độ quyết liệt, không nhân nhượng thì việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm là không quá khó. Tất nhiên là trong tình hình hiện nay, vấn đề nhân sự của các cơ quan chuyên trách là khó khăn nhưng không phải không giải quyết được. Điều này phụ thuộc vào năng lực, sự quyết đoán cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, bản thân những cán bộ này cũng cần nhận thức rằng tính mạng của con em họ (không chỉ của người dân) cũng nằm trong các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày, vậy thì lý do gì để buông lỏng quản lý như hiện nay.

Chúng ta đang hướng đến một xã hội văn minh mà ở đó con người được nhà nước bảo vệ về sức khoẻ, tính mạng, điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân và quan chức ở các cơ quan công quyền cũng phải có "ý thức" cao trong từng hành động để có thể hình thành nên một ý thức hệ bền vững trong xã hội, để mà khi một người nào đó làm một việc bị xã hội cho là sai thì họ sẽ tự cảm thấy hổ thẹn (dù chẳng ai phê phán gì) có như vậy chúng ta mới có một xã hội thật sự văn minh.

Rất mong Báo Thanh niên đóng góp được tiếng nói đại diện của người dân đến các cơ quan chức năng và chúng ta mới có sự yên tâm trong ăn uống, sinh hoạt - nhu cầu cơ bản đầu tiên của con người .

Hoàng Vũ  (Hà Nội)

ATVSTP: Cũng nên làm như ATGT
 
Tôi nghĩ việc tuyên chiến với thực trạng tồi tệ trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng khác nào trong lĩnh vực an toàn giao thông. Chính chúng ta phải gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra! Trong thời gian vừa qua, ý thức tham gia giao thông của cộng đồng đã được cải thiện, rõ rệt nhất là ở khu vực nội đô. Vì sao lại có sự chuyển biến to lớn này? Chính nhờ sự mạnh tay, cương quyết của Chính phủ đã tác động tích cực lên ý thức của cộng đồng mà vốn dĩ phải là tự giác. Nay Chính phủ nên chăng vào cuộc tuyên chiến với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm theo "mô hình" đã áp dụng với an toàn giao thông.

Ng.Minh Khánh (Đống Đa-Hà Nội)

Muốn có an toàn trong VSTP cần có một quy hoạch từ phía chính quyền
 
Tôi cảm thấy rất bực bội khi đọc nội dung trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên của bác sĩ Lê Trường Giang.  Đã có một sự vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm?

Theo như tôi được biết, ở Mỹ thì có cơ quan FDA (Food & Drug Administration), cơ quan chịu trách nhiệm về thực phẩm và thuốc men. Bất kì một sản phẩm nào được đưa ra thị trường hay được nhập vào Mỹ đều phải được kiểm nghiệm nghiêm ngặt trước khi đưa ra thị trường cho người dân. Bên cạnh đó, bất kì một nhà hàng hay nhà cung cấp thực phẩm nào có sản phẩm trên thị trường gây ngộ độc hay gây ra các vấn đề sức khoẻ cho người dân sẽ bị phạt rất nặng và phải bồi thường cho dân chúng. Cơ quan kiểm định của Việt Nam mình đã làm được việc này chưa? Tại sao bác sĩ này dám nói là sẽ không thể làm được? Đành rằng ngân sách có hạn, nhưng không thể vì vậy mà phó thác cho người sản xuất, còn cơ quan chức năng thì có ai “la làng” thì “động chân động tay”, không thì thôi.

Những việc mà Chính phủ phải nên làm, tôi biết là dù rất khó khăn và sẽ đụng chạm tới đời sống người dân, nhưng thiết nghĩ vì một xã hội tiến bộ và an toàn, các gánh đồ ăn hay các quán xá cần phải dẹp bỏ, phải có qui định rõ ràng: nếu muốn làm nhà hàng thì bắt buộc các chủ nhà hàng phải dự một khoá về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách vận hành và quản lý nhà hàng sao cho vệ sinh. Bắt buộc các chủ nhà hàng trước khi nhận giấy phép kinh doanh, họ phải chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường hợp xảy ra các ngộ độc hay phát hiện không vệ sinh họ sẽ phải bồi thường.

Chính quyền nên có qui hoạch đô thị một cách văn minh và khoa học hơn, chẳng hạn không thể cứ có tiền có nhà là mở nhà hàng, quán ăn được mà phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về khu vực ăn uống, điều kiện vệ sinh, mật độ hàng quán v.v... Chúng ta không thể cứ đổ lỗi cho rằng phong tục tập quán của chúng ta bao đời là vậy được. Nếu muốn quản lý tốt thì trước tiên cần có qui hoạch tốt. Không có một qui hoạch khoa học thì việc phát triển bừa bãi và không đảm bảo điều kiện an toàn cũng là điều khó tránh.

Vu Le (Binh Duong)

Các bạn Lưu Phương, Nguyen Thi Hong An, Truong Thi Thanh Tam đều cho rằng nội dung trả lời của ông Lê Trường Giang thể hiện một sự thoái thác trách nhiệm, không chấp nhận được. Vì, việc đảm bảo ATVSTP đúng là không phải riêng của ngành y tế, nhưng y tế là ngành chủ lực. Công tác đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người dân phải là công việc thường xuyên với các biện pháp kiểm tra, xử lý của ngành y tế chứ không thể chờ cơ quan báo chí hay người dân phát hiện, lên tiếng mới chạy theo giải quyết, xử lý được.

TNO (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.