Công thức đưa Baemin lên Top 3

07/01/2021 15:45 GMT+7

Công thức ‘chậm chắc + tập trung + chuyên nghiệp’ đưa Baemin lên Top 3 thị trường giao đồ ăn (food delivery).

Gia nhập thị trường muộn hơn so với các đối thủ nhưng Baemin, ứng dụng giao thức ăn trực thuộc kỳ lân công nghệ Woowa Brothers (Hàn Quốc), tự tin với chiến lược tập trung vào cốt lõi: đào tạo tài xế chuyên nghiệp và hỗ trợ các cửa hàng ăn uống, đưa cửa hàng lên trực tuyến tới người dùng.

Chuyên tâm Foodtech

Anh Tuấn (28 tuổi, quận 8, TP.HCM) đang trên đường đến trụ sở Baemin (quận 3, TP.HCM) để tham gia khoá đào tạo. Tuấn cho biết kết thúc khoá này, anh sẽ tham gia một kỳ thi xét tuyển trước khi được cấp tài khoản là tài xế của Baemin. Trước đó, trong qua trình nộp hồ sơ trực tuyến, anh Tuấn cũng đã phải trải qua một kỳ thi sơ tuyển trước khi đến đào tạo tập trung.
Không chỉ riêng anh Tuấn, hầu hết các đối tác xế khi tham gia vào mạng lưới Baemin đều phải vượt qua hai kỳ thi kiểm tra đầu vào. Một điều khá ngược đời so với hình thức tuyển dụng của hầu hết các ứng dụng giao thức ăn hiện nay.
“Chúng tôi muốn để lại ấn tượng đầu tiên trong lòng khách hàng về Baemin là một đội ngũ tài xế chỉn chu và lịch sự”, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Điều hành Baemin Việt Nam, cho biết. Việc lựa chọn đi ngược dòng xu hướng của Baemin là có tính toán. Baemin là ứng dụng phục vụ lĩnh vực giao thức ăn trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc của Woowa Brothers.
Hoạt động quảng bá của Baemin

Hoạt động quảng bá của Baemin

Ảnh: Baemin

Ngay sau khi dẫn đầu thị trường Hàn Quốc, Woowa Brothers lập tức mở rộng sang Việt Nam, nơi có hơn 40% dân số thuộc độ tuổi lao động, yêu thích công nghệ và quá thân thuộc với văn hoá Hàn Quốc. Mặc dù vậy, Baemin vẫn gia nhập muộn hơn so với nhiều đối thủ khác tại thị trường Việt Nam (6.2019).
Sự bùng nổ quá nhanh về ứng dụng giao hàng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tài xế và các vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ. Chính vì thế, Baemin chọn con đường riêng là đào tạo kỹ lượng đội ngũ tài xế tại từng thị trường và mở rộng dần theo phạm vi thành phố, nơi nhu cầu giao thức ăn lên đến 90% (theo Công ty nghiên cứu thị trường GComm). TP.HCM và Hà Nội là hai ví dụ điển hình cho bước đi này của Baemin. “Ở Việt Nam, FoodTech vẫn còn là một thị trường rất mới nên các công ty trong lĩnh vực này đều phải đầu tư khá nhiều vào việc xây dựng đội ngũ giao hàng cho riêng mình và vận hành đội ngũ đó”, ông Thành nói.

Hệ sinh thái đối tác

Khác với đối thủ, Baemin tập trung xây dựng dịch vụ giao đồ ăn chuyên nghiệp. Sự tập trung và chuyên nghiệp này giúp Baemin sớm đạt được mục tiêu. Theo khảo sát của Asia Plus mới đây, Baemin dù xuất hiện tại Việt Nam từ giữa năm 2019 nhưng đã nhanh chóng bắt kịp các ứng dụng Foodtech đi trước về tỷ lệ người sử dụng khi đạt con số 46%, trong đó tỉ lệ người dùng app thường xuyên là 16%. Cũng theo báo cáo, một số ứng dụng Foodtech được cho là phổ biến với người dùng lớn tuổi, trong khi Baemin lại hợp gu người trẻ. Đồng thời, startup đến từ Hàn Quốc nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đối tác, thương hiệu F&B.
Báo cáo “Food delivery popularity in vietnam 2020 - Q&Me Vietnam Market Research”

Báo cáo “Food delivery popularity in vietnam 2020 - Q&Me Vietnam Market Research”

Ảnh: Asia Plus

Sau thời gian ngắn, BAEMIN đã đạt được quy mô tương đương với các công ty đầu ngành trong lĩnh vực giao đồ ăn và đang tiếp tục mở rộng quy mô trên cả nước. Doanh nghiệp này hiện có thể tiếp nhận và xử lý 30.000 - 40.000 đơn hàng trong các khung giờ cao điểm; còn trong mỗi ngày cao điểm, con số này là khoảng 200.000 đơn hàng - tương đương với khả năng xử lý các đổi thủ đang dẫn đầu thị trường.
Mặc dù vậy, đầu tư đối tác tài xế là chưa đủ trong chiến lược phát triển dài hạn ở Việt Nam của Baemin. Ông Thành cho biết, khác với Hàn Quốc, nơi có sẵn hạ tầng logistics do bên thứ ba phát triển còn Woowa Brothers tập trung vào việc chăm sóc khách hàng, quảng cáo và truyền thống. Ở Việt Nam là bài toán đầu tư khác hoàn toàn.
Bên cạnh nhân sự giao nhận, Baemin còn phải đầu tư kết nối với các đối tác tham gia nền tảng của mình bằng việc cung cấp các hình thức thanh toán linh hoạt và quan trọng nhất là đồng hành cùng họ trong quá trình chuyển đổi một phần mô hình kinh doanh lên trực tuyến.
Theo ông Thành, ở một thị trường đang ở giai đoạn mới như Việt Nam, các nhà hàng, đặc biệt là các nhà hàng truyền thống, vẫn còn rất bỡ ngỡ với việc bán hàng online. Vì vậy, trong giai đoạn này, điều thiết thực nhất có thể làm là tạo ra cho họ một nguồn doanh thu.
Chiến lược của Baemin là cử nhân viên đến chăm sóc, hướng dẫn để các chủ nhà hàng biết cách đạt được doanh thu lớn hơn. Song song đó, Công ty cũng gấp rút phát triển bộ phận chăm sóc, phản hồi kịp thời, và thanh toán đúng hạn để các chủ nhà hàng có nguồn vốn tiếp tục kinh doanh.
“Đây là những bước rất căn bản nhưng tạo ra giá trị thật, để từ đó nhà hàng có sự tin tưởng để thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với chúng tôi”, ông Thành nhấn mạnh.
Chưa dừng lại ở đó, trong thời gian tới, Baemin sẽ đồng hành cùng các chủ nhà hàng để thực hiện các bước thay đổi về cách vận hành và sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp cho mô hình kinh doanh trực tuyến. Theo ông Thành, quá trình sẽ diễn ra chậm nhưng chắc, từ một nhà hàng thuần về bán hàng truyền thống sẽ mở rộng dần sang mô hình trực tuyến để tăng thêm doanh thu.
Hơn ai hết, Baemin hiểu rõ rằng sự thành bại của một công ty nền tảng phụ thuộc rất lớn vào các đối tác tham gia, ở đây là các đối tác tài xế và chủ nhà hàng. Theo ông Thành, tuy mới ra mắt tại thị trường Hà Nội nhưng sự tiếp nhận của khách hàng tại đây lớn hơn nhiều so với lần ra mắt tại TP.HCM. “Có thể là thành phố mới nhưng thị trường cũng đã nghe nói nhiều về chúng tôi”, ông Thành cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.