Cụ thể như công trình nước sinh hoạt ở thôn Bà Râu, Ấn Đạt thuộc xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc. Một công trình được đầu tư gần nửa tỉ đồng nhưng chưa vận hành một ngày đã bị bỏ hoang cho đến hôm nay. Nguyên nhân của kết cục "ngớ ngẩn" này được "đẩy qua, đẩy lại" rồi cũng bị lãng quên, chỉ có hàng trăm hộ dân ở đây là người bị thiệt vì chưa một lần sử dụng nguồn "nước sạch" ở công trình. Ba chiếc máy bơm dầu nhãn hiệu Vikyno đã 7 năm không vận hành nằm gỉ sét, hệ thống lọc nước đã bị trẻ chăn bò "tẩu tán" đưa đi bán phế liệu. Ông Kapur Lớn, 47 tuổi, thấy trạm bơm và nhà quản lý bỏ hoang gây lãng phí, tranh thủ sửa chữa làm nơi nuôi gà và chòi giữ rẫy!
Công trình nước sinh hoạt ở thôn Thái Giao, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước được Nhà nước đầu tư gần 300 triệu đồng. Ngay sau khi đưa vào hoạt động, đã có hiện tượng nứt nẻ ở hồ chứa nước. Đáng buồn hơn là nguồn nước này cũng không khác gì nước ở ngoài kênh vì không có hệ thống lắng lọc. Người dân bức xúc do nguồn nước quá kém nên hệ thống nước sinh hoạt này ngừng sử dụng. Hiện nay công trình này chỉ còn hai mô-tơ điện, một hồ chứa bị hư hỏng và một đường ống dẫn nước vào khu dân cư.
Tương tự, hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phương Hải, huyện Ninh Hải được đầu tư gần 500 triệu đồng, đưa vào sử dụng năm 1999. Nhiều nông hộ phấn khởi bỏ 1-2 triệu đồng để lắp đặt đồng hồ, dây dẫn đưa nước sạch vào nhà sử dụng. Mới 6 tháng sau khi đi vào hoạt động, hệ thống lọc bị hư hỏng. Đội quản lý cung cấp nước "sạch" phải bơm trực tiếp nước vàng khè ở dòng kênh Nam đưa thẳng đến người tiêu dùng với giá 3.000 đồng/m3!
Một người dân ở xã đặc biệt khó khăn lại cho chúng tôi biết về tình trạng "đổi màu" của nước sinh hoạt. Sự đổi màu này được mô tả như sau: nếu nước sông có màu vàng, thì nước sinh hoạt có màu vàng; nếu nước sông có màu đỏ, thì nước sinh hoạt có màu đỏ... Đó là công trình nước sinh hoạt xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn vừa mới đưa vào sử dụng năm 2001, với kinh phí gần 1 tỉ đồng. Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Hòa Sơn bức xúc nói: "Vô lý quá, 1 mét khối nước chúng tôi phải trả 2.500 đồng, nhưng cứ thấy nước ở ngoài sông có màu gì thì nước máy có màu đó". Để minh chứng cho lời nói của mình, chị Hương mở vòi nước chảy vào chậu và chúng tôi thật sự rùng mình bởi màu đục ngầu của bùn đất. Phó chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, ông Trần Hải Quy cho biết, do khi xây dựng, công trình chỉ thiết kế hệ thống lọc thô, không qua xử lý hóa sinh, trong khi đó nhu cầu dùng nước sinh hoạt của người dân ngày một nhiều hơn nên khi nước bơm vào bể chứa chưa kịp lắng đã phải đẩy ra ống phục vụ (!?).
Hiện nay, ở tỉnh Ninh Thuận có gần 60 công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng từ nhiều nguồn vốn và do nhiều đơn vị quản lý. Qua ghi nhận của chúng tôi, nhiều công trình chưa đưa vào khai thác đã xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Hiện trạng là vậy, nhưng tại địa phương này chưa một cá nhân hay một tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm !
T.N
Bình luận (0)