Nhớ lại thủa ban đầu đầy khó khăn cách đây 10 năm khi Viễn Thịnh mới chỉ là một DN siêu nhỏ với 50 công nhân, mặt bằng sản xuất chật hẹp, máy móc thô sơ lạc hậu, để có thể “chen chân” vào thị trường nội địa đang bị hàng Trung Quốc chiếm giữ đến 90% thị phần, ông Trần Thế Linh, giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh cho biết, đích thân ông đã phải ra chợ thuyết phục từng tiểu thương để các sản phẩm của công ty được có mặt trên các sạp hàng. Chậm nhưng chắc, thuyết phục khách hàng bằng chất lượng, giá cả, mẫu mã và chế độ hậu mãi, bảo hành, các sản phẩm giày dép của Viễn Thịnh từng bước chinh phục được thị trường với sản lượng ban đầu từ 10.000 đôi lên 50.000 đôi ở thời điểm năm 2009. Liên tục những năm sau đó, sản lượng của Viễn Thịnh tăng lên nhanh chóng, năm 2010 đạt 200.000 đôi, 2011: 350.000 đôi, 2012: 450.000 đôi.
Sản lượng ngày càng gia tăng đòi hỏi Viễn Thịnh phải mở rộng quy mô sản xuất, cuối năm 2012, Công ty Giày Viễn Thịnh dời xưởng từ Bình Chánh về Nhà Bè, mở rộng quy mô nhà xưởng lên 12.000m2, tăng sản lượng lên 600.000 đôi/năm trong năm 2013. Năm 2014, sản lượng sản xuất của Viễn Thịnh tiếp tục tăng lên 800.000 đôi và đến năm 2015 đạt mức 1triệu đôi năm. Với ưu thế về chất lượng, mẫu mã giá cả và an toàn cho người sử dụng cùng chế độ hậu mãi, bảo hành tận tình, chu đáo, các sản phẩm giày dép, túi xách của Viễn Thịnh đã có mặt khắp thị trường cả nước thông qua 50 tổng đại lí và 150 đại lí trên toàn quốc với các nhãn hiệu đang dần trở nên thân thuộc với người tiêu dùng như Richever, Hodono, Vitcoshoe, Proshoe, Meyeus.
|
Là một doanh nhân trẻ năng động và đầy tâm huyết, ông Trần Thế Linh luôn trăn trở khi chứng kiến ngành da giày Việt Nam dù sản lượng và kim ngạch XK luôn nằm trong top những nước xuất khẩu da giày của thế giới tuy nhiên DN trong nước lại chỉ chiếm một phần rất nhỏ về giá trị, doanh thu. Trong khi đó tại thị trường nội địa, hàng Trung Quốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tung hoành khắp các chợ đầu mối của ngành da giày từ Nam ra Bắc. Việc thị trường nội địa bị chiếm giữ không chỉ là “gọng kìm” siết chặt các DN trong nước còn non yếu mà còn gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Những trăn trở đó đã thôi thúc lãnh đạo Công ty Viễn Thịnh tạo ra một cú “lội ngược dòng” bằng việc bỏ ra 240 tỉ đồng đầu tư một nhà máy rộng 40.000 m2 với dây chuyền sản xuất khép kín sử dụng các công nghệ hiện đại có thể đáp ứng được công suất khoảng 5 triệu đôi/năm. Nhờ đó, sản phẩm giày dép mang thương hiệu RICHEVER, MEYEUS, HODONO, VITCOSHOE PROSHOE … của Viễn Thịnh được tiêu thụ rộng rãi, từ các tỉnh, thành phố lớn đến vùng nông thôn của Việt Nam.Việc một DN sản xuất hàng nội địa đầu tư một nhà máy lớn và hiện đại như Viễn Thịnh là một việc chưa ai dám làm đối với ngành da giày. Tuy nhiên với kì vọng tạo ra sự đột phá cho chính bản thân DN cũng như ngành da giày trong nước, ông Trần Thế Linh vẫn quyết tâm làm dù phải đối mặt với không ít khó khăn để có thể duy trì hoạt động liên tục cho nhà máy, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho 1.500 người lao động trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt mới có thể đứng vững tại thị trường nội địa.
Với việc đầu tư nhà máy, mục tiêu của Viễn Thịnh không chỉ dừng lại ở việc giành lại thị trường nội địa, các Hiệp định thương mại tự do với các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như TPP, FTA Việt Nam EU và việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 đang mở ra cho các DN trong nước như Viễn Thịnh một con đường sáng để đưa sản phẩm, thương hiệu giày dép của Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên tham vọng của Viễn Thịnh cũng không dừng ở đó vì ngay trong thời gian này, với quyết tâm đầu tư một nhà máy sử dụng robot để gia công các sản phẩm giày made in Việt Nam, thậm chí xuất khẩu giày sang thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ giày dép lớn nhất thế giới.
Bình luận (0)