30 năm, chặng đường dài
Đại tá Hà Sơn Hải, giám đốc công ty báo cáo: “Từ cơ sở ban đầu là tổ hợp tác Đồng Tiến, tháng 10.1976, Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Xí nghiệp sửa chữa tàu biển và là tiền thân của Công ty Sông Thu ngày nay. Đến tháng 1.2004, Bộ trưởng Bộ quốc phòng ký điều chuyển Công ty Sông Thu về Tổng cục CNQP. Với quân số 750 người, trong đó 30% có trình độ kỹ sư, cao đẳng chuyên nghiệp, Công ty Sông Thu chuyên đóng mới, sửa chữa tàu biển cho hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, các tàu tìm kiếm cứu nạn và đội tàu của Tổng cục Hậu cần. Vài năm gần đây, công ty còn tham gia đóng tàu xuất khẩu cho châu u trị giá hợp đồng 300 tỷ đồng. Cạnh đó, đơn vị còn đảm nhận nhiệm vụ mới: Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu Miền Trung”.
Theo ông, mặc dù còn non trẻ nhưng trung tâm đã tham gia xử lý các sự cố tràn dầu tàu Mỹ Đình tại Cát Bà - Hải Phòng tháng 12.04, tàu 10.000 tấn tại Chân Mây - Thừa Thiên Huế năm 2005, tàu Thái Lan tại Qui Nhơn năm 2006 và gần đây nhất là tham gia chiến dịch thu hồi trên 1.900 tấn dầu thô các loại tại 12 tỉnh thành miền Trung đưa về khu thiêu hủy.
Được sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP và các ban ngành Nhà nước. Công ty Sông Thu đã tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Doanh số năm 2005 là 90 tỷ, năm 2006 lên 160 tỷ, năm 2007 dự kiến đạt 440 tỷ, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ người/ tháng. Giá trị xuất khẩu đạt 16 triệu euros. Sông Thu còn là đơn vị đầu tiên của cả nước và là đơn vị thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Singapore) lắp đặt thành công hệ thống nâng hạ tàu cơ điện hiện đại Rolls& Royce, tạo ra năng suất gấp 5 lần so với phương pháp đốc nổi truyền thống.
Đến con tàu cứu nạn hiện đại bậc nhất
Ngày 12.5, Công ty Sông Thu bàn giao tàu cứu hộ biển 3.500 CV ký hiệu CSB-9001 cho lực lượng cảnh sát biển VN. Đây cũng là lần đầu tiên loại tàu này được đóng mới tại nước ta, tiết kiệm so với mua lại nước ngoài khoảng 40 tỷ đồng. Lần đầu tiên đặt chân lên tàu, PTT Phạm Gia Khiêm đã dành nhiều thời gian xem xét các trang thiết bị hiện đại của Hà Lan, Mỹ, Nhật, Israel... Ông tỏ ra hài lòng khi được các chuyên gia tập đoàn Damen báo cáo chất lượng đóng con tàu này, nhất là nội thất bên trong, hoàn toàn không thua kém các con tàu cùng loại được đóng tại Hà Lan.
Tàu có khả năng cứu nạn trong siêu bão, có “mắt thần” nhìn đêm đến 10km và đủ sức hoạt động liên tục 30 ngày đêm trên biển. Theo Đại tá Hà Sơn Hải, tàu CSB-9001 hiện là tàu kéo cứu hộ biển lớn nhất VN. Tàu sẽ tham gia cứu kéo tàu bị nạn, bảo vệ các giàn khoan và phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khi cần. Tàu hoạt động trong phạm vi 3.000 hải lý, tốc độ 10 - 13 hải lý/giờ, liên lạc 24/24 với đất liền và các phương tiện giao thông trên biển qua hệ thống vệ tinh. Trên tàu còn có 2 xuồng cao tốc và 4 xuồng cứu sinh, có thể cùng lúc cứu 10 - 15 ngư dân bị nạn trong bão trên cấp 15.
|
Hạ thủy và bàn giao tàu CSB- 9001 cho lực lượng CSBVN |
Đại tá Hoàng Thế Sự, Phó cục trưởng kiêm Tham mưu trưởng Cục CSBVN khẳng định: “Con tàu là thành quả lao động của các đơn vị trong năm rưỡi qua. Đây là căn cứ khách quan để CSBVN đặt hàng Công ty Sông Thu đóng tiếp 3 con tàu tương tự và nhiều con tàu mới cho đất nước”. Gần 20 sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp trên tàu đã được chuyên gia tập đoàn Damen và Viện Kỹ thuật Hải quân huấn luyện trong 4 tháng. Từ ngày 12.05.2007 họ chính thức cầm lái con tàu hiện đại bậc nhất này dưới sự chỉ huy của Đại úy thuyền trưởng Nguyễn Khắc Vượt.
Chuyển giao công nghệ, đầu tư đúng hướng
Được chuyển giao công nghệ từ tập đoàn Damen, hiện Công ty Sông Thu đã đóng được 50% khối lượng tàu cứu hộ số 2 cho lực lượng CSBVN, tàu L-146 đa năng ứng phó sự cố tràn dầu, được 80%, và sắp tới là 2 tàu đánh cá quân sự. Trước cận cảnh này, PTT Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: “Thành công trong việc đóng tàu Cảnh sát biển 9001 không chỉ là của Công ty Sông Thu mà còn là thành công chung của ngành đóng tàu VN. Đây cũng là sự đầu tư đúng hướng của chương trình phát triển kinh tế biển đảo trong thời kỳ mới nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải quốc gia và phát triển mạnh mẽ kinh tế đất nước”.
Hiện, Công ty Sông Thu cũng như các nhà máy đóng tàu khác của Tổng cục CNQP đang ra sức tiến từ vị trí học tập, chuyển giao công nghệ đến nắm vững, làm chủ công nghệ đóng tàu và tự thiết kế những chiếc tàu đặc chủng như tàu CSB-9001.
“Có thể nói, sau 18 tháng lao động miệt mài và sáng tạo, công trình tàu CSB- 9001 đã ghi dấu ấn về bước phát triển vượt bậc của Công ty Sông Thu. Nó cho thấy chủ trương chuyển giao công nghệ đóng tàu từ tập đoàn Damen là hoàn toàn đúng đắn. Đây cũng là cơ sở vững chắc tạo nên sự tự tin của chúng tôi trong tiến trình đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền tảng công nghiệp quốc phòng hiện đại, đủ sức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới của nước ta”.
Đại tá Hà Sơn Hải nhấn mạnh. Còn các chuyên gia Hà Lan cho biết, rất hài lòng khi cộng tác với hàng trăm công nhân, kỹ sư của Công ty Sông Thu. Họ thán phục trí thông minh, tinh thần sáng tạo, lao động bền bỉ, học hỏi chuyên cần... của “những người bạn VN” trong 18 tháng dài cùng cộng tác sản xuất con tàu đủ sức hành tiến trong siêu bão.
Đặng Ngọc Khoa
Bình luận (0)