“Cõng” vắc xin lên núi

27/10/2016 15:40 GMT+7

Là tỉnh miền núi với hơn 50% xã đặc biệt khó khăn, các cán bộ tiêm chủng của Lai Châu đã nỗ lực đưa vắc xin đến với trẻ vùng sâu.

Chia sẻ về công tác tiêm chủng tại địa phương mình, BS Trần Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu cho biết: ở quy mô tỉnh, tiêm chủng mở rộng (TCMR) đạt trên 90% trẻ được tiêm đầy đủ. Nhưng ở quy mô huyện vẫn còn 2/8 huyện chưa đạt. “Trên quy mô xã, chúng tôi còn 16/108 xã lõm về tiêm chủng với tỷ lệ trẻ được tiêm chưa đạt trên 90%. Còn 2 xã tỷ lệ tiêm thấp: 70-75%”, bác sĩ trăn trở.
Tiêm chủng lưu động
Các xã “lõm” TCMR được triển khắc phục bằng tiêm chủng lưu động và tiêm chủng tại nhà. “Với các xã vùng sâu thì đây là hết sức cần thiết”, bác sĩ Lan cho hay. Trong số 488 điểm tiêm chủng, trong đó 106 điểm tiêm tại trạm; 382 điểm tiêm chủng ngoài trạm (tại các thôn, bản).
Sự tận tâm của cán bộ tiêm chủng cũng vẫn gặp trở ngại bởi nhiều khi đến tận nhà vẫn không gặp được trẻ. Các nhân viên y tế phải đến tận lán, nương vì người dân đi làm xa nhà mang địu theo con. “Nhiều lúc phải “rình” họ ở nhà để tiêm tối; bố trí lực lượng cộng tác viên lên tận lán, nương vận động người ta cho con về tiêm. Như vậy mới mong xóa được vùng lõm tiêm chủng”, bác sĩ Liên bày tỏ.
Bác sĩ Liên cũng chia sẻ: “Cũng như những địa phương miền núi khác, tỷ lệ tiêm thấp nhất là tiêm viêm gan B sơ sinh, cũng giống như các tỉnh miền núi khác, mới đạt 32% thôi”. Nguyên nhân do tỷ lệ đẻ tại nhà của Lai Châu cao (trên 50%), trong khi viêm gan B mới chỉ triển khai được tại các cơ sở y tế có phòng sinh chứ không thể đem vắc xin đi lưu động được. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Lai Châu bày tỏ: Hiện Lai Châu có đến 90% là người dân tộc thiểu số, hầu như chỉ sinh tại nhà. Chưa tăng được ca đẻ tại các cơ sở y tế thì tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh chưa thể đẩy lên được.
“Để khắc phục những hạn chế trên, chúng tôi tăng cường vận động các bà mẹ về cơ sở y tế đẻ, như vậy mới có thể tiêm được để đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhưng đây vẫn là vấn đề còn khó khăn do tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số”, bác sĩ dãi bày.
Bác sĩ Liên cho biết: “TCMR còn huy động lực lượng y tế thôn bản tham gia công tác tiêm chủng. Nhưng do địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân đi lán, đi nương cho nên dưới xuôi một ngày tiêm được 100 trẻ thì trên Lai Châu đi tiêm lưu động một ngày có khi chỉ được dăm ba trẻ”. “Nhiều nơi leo tít lên đỉnh đồi mới tiêm được 1-2 đứa trẻ. Rồi những khi trẻ không ở nhà vì theo bố mẹ ra lán, nương thì lại về không, tối lại quay lên”, bác sĩ tâm sự.
Tiêm chủng cho trẻ vùng cao tại Lai Châu Ảnh: Dương Ngọc
Không ngồi chờ trẻ đến
“Địa bàn dưới này, đi xe máy một ngày đường đến nơi được còn trên núi đi được một bản không đơn giản, đến nơi còn “nằm” chờ, tối họ về rồi mới thắp đèn lên tiêm. Có bản xa đến vận động mãi mà đồng bào còn không cho tiêm, không hưởng ứng”, bác sĩ Lan chia sẻ.
Với người làm tiêm chủng miền núi, kinh phí hỗ trợ (vận chuyển, tuyên truyền vận động, bồi dưỡng công tiêm…) còn khiêm tốn. Một trẻ tiêm đầy đủ thì cần 8 - 9 mũi tiêm, là 8 - 9 lần đi, lại. Mỗi lần như vậy người tiêm được tính 12.000 đồng/mũi tiêm. Ở nơi đặc biệt khó khăn được hưởng 24.000 đồng/mũi tiêm.
Dù khó khăn như vậy, nhưng những người làm công tác TCMR của Lai Châu vẫn quyết tâm bám trụ, chủ động tìm đến trẻ để tiêm. Các điểm tiêm chủng lưu động, tiêm tại nhà nhiều gấp 3 lần điểm tiêm cố định tại trạm y tế. “Nếu cứ ngồi ở điểm tiêm cố định đợi các gia đình mang trẻ đến tiêm thì Lai Châu chỉ tiêm được 20%. Cho nên phải tiêm ngoại trạm, tiêm tại nhà. Ở trạm đợi trẻ đến tiêm thì quá nhàn, quá sướng nhưng tỷ lệ sẽ thấp lắm”, bác sĩ Lan chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.