Đi xuất khẩu lao động lưu ý những điều cấm nào?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
23/04/2023 14:19 GMT+7

Massage là một trong những công việc hợp pháp tại Việt Nam, nhưng lại bị cấm đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Xuất khẩu lao động là chủ đề được người dân quan tâm, nhất là trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa bán lao động, đưa lao động làm việc nước ngoài trái phép...

Bên cạnh các kênh thông tin cần biết tới nếu người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động an toàn, Tổ chức di cư quốc tế (IOM Việt Nam, Cơ quan di cư của Liên Hiệp Quốc) cũng cảnh báo 3 vấn đề cần tránh.

Một là người lao động cần tránh các lời hứa hẹn của môi giới về "giấy tờ giả" (như bằng đại học giả) sẽ được đi trót lọt.

Thực tế giấy tờ giả có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào (nhiều giấy tờ được lưu trữ điện tử) nếu các cơ quan chức năng ở nước ngoài muốn xác minh, chưa kể có nhiều hệ lụy. 

Ví dụ, nếu gian lận trong quá trình làm hồ sơ, người lao động có thể bị cấm đến Úc từ 3 - 10 năm và trong tương lai có thể bị từ chối khi xin visa vào quốc gia này.

Công việc hợp pháp tại Việt Nam, nhưng bị cấm nếu làm ở nước ngoài - Ảnh 1.

Người lao động cần tránh các vấn đề về tiền nong môi giới không rõ ràng và tham khảo các chương trình xuất khẩu lao động chính thức của nhà nước

C.BÌNH

Hai là về "tiền môi giới". Nhiều người lao động thấy phí môi giới quá cao, nhưng sợ khi đi không được nên cố gắng kiếm tiền nộp.

Song theo IOM Việt Nam, đối chiếu quy định của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kể từ ngày 1.1.2022, Chính phủ Việt Nam đã cấm hoàn toàn việc thu phí môi giới của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các khoản tiền khác, như tiền dịch vụ, tiền ký quỹ, cũng chỉ được thu dưới mức trần theo quy định. 

Ví dụ như tiền dịch vụ không được vượt quá 1 tháng lương (1,5 tháng lương đối với sĩ quan và thuyền viên trên tàu vận tải biển) cho mỗi 12 tháng làm việc, và không quá 3 tháng đối với hợp đồng trên 36 tháng.

Ba là Chính phủ Việt Nam quy định các công việc bị cấm nếu đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, gồm:

Công việc massage tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí;

Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, độc hại, phóng xạ;

Săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);

Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả;

Hoặc làm việc ở khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; khu vực đang bị nhiễm xạ; khu vực bị nhiễm độc; khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.