img
BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 1.

KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt dẫn đường link của bài báo Phó thủ tưởng: cần có rừng trong đô thị lên trang facebook Công viên rừng Bờ Vở Chương Dương. Nhóm Think Playgrounds của anh là một trong những đơn vị đã cùng bà con xây dựng công viên này. Kèm theo bài báo, anh viết: "Nghĩa là cần có thêm nhiều công viên rừng nữa đó bà con ạ". Thành phố có rừng là gợi ý của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho Hà Nội khi chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065. Còn Công viên rừng Bờ Vở Chương Dương chính là một công viên rừng.

Nhưng công viên rừng Bờ Vở Chương Dương lại không bắt đầu từ ước mơ có rừng trong đô thị. Nó được nhen lên từ mong muốn của nhiều người dân nhập cư sinh sống ở ngoài đê. Hai từ "ngoài đê", "ngụ cư" trong nhiều năm, qua nhiều thế hệ vẫn bị coi là những gì ở ngoài Hà Nội, bên lề Hà Nội, thậm chí làm xấu Hà Nội. 

Một dự án photo voice cho người dân nhập cư với 34 người lao động tham gia đã cho thấy những mong muốn lặng lẽ và dịu êm của họ. Rất nhiều bức hình cho thấy mơ ước của người nhập cư về những không gian xanh nghỉ ngơi. Chị Đỗ Thị Út, một người làm móng dạo đã chụp ảnh một công viên nhỏ có ghế đá. Chị cho biết thường nghỉ chân tại đây giữa những chặng đường xe đạp len lỏi qua các con phố để làm nghề. 

"Nhiều khi mỏi chân nhưng phải cố dắt xe đến đây để nghỉ ngơi vì ở đây tôi sẽ được tự do, không có cảm giác phiền hà đến ai… Sau khoảng 10 - 15 phút hít không khí trong lành là có thêm năng lượng để làm việc tiếp", chị Út tâm sự.

Từ ý tưởng đầu tiên về không gian xanh nghỉ ngơi cho người nhập cư và người sống tại Hà Nội đó, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã tìm kiếm các không gian để có thể xanh hóa, công viên hóa nó. Bãi rác ở cuối đường Hàm Tử Quan chính là một nơi như vậy. Không gian bãi sông Hồng này có nhiều cây lớn, nhưng bãi rác còn lớn hơn. Bãi rác cũng tồn tại ở đó lâu đến mức nhiều người ngại lui tới, dần dần trở thành tụ điểm cho nhiều hoạt động phức tạp như đá gà, chích hút…

Có đủ loại rác ở Bờ Vở Chương Dương phải dọn trước khi nơi đây trở thành công viên rừng

VMHN

Nhưng ông Lê Quang Bình, người sáng lập mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, lại thấy cả một không gian xanh không lồ ở đó, không gian đó lớn hơn những cản trở mà bãi rác, nước thải đem lại. "Mình vẫn mê môi trường, không gian nên nghĩ nếu như biến toàn bộ khu này thành một công viên khổng lồ cho Hà Nội thì cũng chả khác gì Central Park của New York (Mỹ). Nó trở thành một không gian xanh nơi không những cho người dân địa phương mà cả những người dân ở trong phố chật chội cũng có thể ra đi dọc sông, ngắm cảnh rồi rồi chơi chẳng hạn", ông Bình nhớ lại.

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 2.

Sau đó, những ngày khảo sát, lên kế hoạch thực hiện dự án diễn ra, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những người cản trở cũng đủ tầng lớp xã hội, kinh tế. Nhưng quan trọng nhất, ông Bình có sự ủng hộ của Phòng Tài nguyên - Môi trường Q.Hoàn Kiếm, cũng như nhiều người dân.

"UBND Q.Hoàn Kiếm và trực tiếp là Phòng Tài nguyên - Môi trường cũng muốn dẹp đống rác lâu năm đó. Họ giúp rất nhiều. Bác tổ trưởng dân phố cũng vậy. Bác nói thực sự tổ dân phố của chúng tôi sống ở đây rất khổ vì mùi, vì môi trường. Bác cũng nói các bác đã đề xuất cả chục năm nay rồi không giải quyết", ông Bình nhớ lại.

Những ngày dựng rào làm vườn rau, trồng hoa trước khi khánh thành công viên

VMHN

Trong suốt thời gian đó, bên cạnh người ủng hộ cũng có người cấm cản. Đó là những người có quyền lợi khi bãi rác nằm đấy, không mấy ai dám qua lại. Cũng có người thờ ơ và hoài nghi vì cho rằng có thể đây là một nhóm muốn giả vờ xây sân chơi rồi cướp đất làm bãi trông giữ ô tô.

Nhưng chính quyền luôn cử người đến khi có nguy cơ mất an ninh để việc kiến thiết sân chơi được tiếp tục. Các tình nguyện viên của nhóm Keep Hanoi clean vẫn đến, phân loại rác, di chuyển rác đều đặn, cả bằng tay, cả bằng xe. 

Một nhóm khác đến xem có thể hỗ trợ trồng rau, trồng thuốc, trồng rừng thế nào. Nhóm thiết kế sân chơi cũng đến để khảo sát lên kế hoạch. Doanh nghiệp xã hội ECUE vẫn tiếp tục đi lo tài trợ cả vật chất và chuyên môn. Tất cả đều xoay quanh mong muốn của người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Sau này, tại tọa đàm Thành phố là một kiệt tác tập thể, KTS Kim Đức (sáng lập viên của Think Playgrounds, đơn vị thiết kế khu sân chơi) nhớ lại đa số cộng đồng dân cư không thể đọc hiểu bản thiết kế. Họ chỉ hiểu khi tiến hành làm, cùng nhau thảo luận về cách cải tạo chính không gian chơi, không gian sống của mình. 

Vì thế, tại công viên Bờ Vở Chương Dương, người dân được hỏi ý kiến rất kỹ, nhất là trẻ em. Khoảng sân này sau đó có nhiều thiết bị vui chơi như các em đã mong ước. Các đồ chơi trong sân chơi cũng được cân đối để cả nam và nữ đều chơi được… "Sân chơi là của họ, chúng tôi hỏi ý kiến họ chứ không duy ý chí", KTS Kim Đức nói.

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 5.

Sân chơi đa năng

VMHN

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 6.

Nghịch cát, nghịch đất là trò chơi xa xỉ với trẻ em ở Hà Nội hiện nay

VMHN

Vào ngày "khánh thành" công viên Bờ Vở Chương Dương, những luống rau, hàng thuốc nam đã được hình thành. Sân chơi với đồ chơi nhiều màu sắc. Người già, em bé, nam nữ thanh niên đều có mặt. Họ biết, gọi là khánh thành nhưng thực sự cuộc duy trì, mở rộng sân chơi mới bắt đầu. Thật may, cả tam giác chính quyền - cộng đồng dân cư - tổ chức, cá nhân vẫn cùng nhau đi tiếp những chặng mới. Nhất là người dân, chăm chút công viên vườn rừng Bờ Vở Chương Dương đã là một phần đời sống của họ.

Ông Lê Quang Bình chia sẻ quan điểm, chỉ cần có công viên của mình là cộng đồng sẽ tự bổ sung, tự lấp đầy những gì cần thiết. Có hộ gia đình bỏ 100 triệu đồng để mua dàn đồ chơi mang về công viên. Đàn ông già trẻ lại mang những tấm đan xi măng xin được từ các công trình xây dựng về để lát thành đường. Mới nhất, sân đã được trải thảm đỏ. Số thảm này được xin về sau khi có một sự kiện được tổ chức tại hồ Hoàn Kiếm. Thảm trải trên sân đất giúp bà con đi lại ngày mưa ướt đỡ bẩn. Nhóm zalo của cộng đồng công viên cũng tíu tít nhắn tin, phân công công việc cho nhau liên tục. Ông Bình gọi đó chính là "dân chủ".

Bà Đàm Thị Hiên cho biết, từ ngày có sân chơi công viên ngày nào bà cũng ra tập thể dục cả sáng cả chiều trên các máy móc thiết bị. Số máy tập này cũng tăng từ từ theo thời gian, theo lời kêu gọi đóng góp của cộng đồng. Bản thân bà Hiên cũng góp vào đây vài chiếc ghế đá. Nhưng nhiều nhất, bà góp… mít. 

"Tôi có chỗ mít mua mấy chục triệu trước trồng ở vườn bên Gia Lâm, bây giờ tôi mang hết về đây trồng", bà Hiên nói. Số mít này được mang về trồng ở khu vực vườn rừng quy hoạch trồng cây ăn quả. Trong đó, có mít, na, ổi, chuối, táo, nhãn. Mùa này, nhãn và ổi đang có quả, dụ chim về.

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 7.

Người dân chăm sóc cây ở công viên rừng Bờ Vở Chương Dương

VMHN

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 3.

Những trải nghiệm trong vườn rừng ở Bờ Vở Chương Dương cũng liên tiếp được mở ra. Người trồng cây cuốc đất. Người nhặt cỏ hái rau. Bà Nguyễn Thị Phòng, 82 tuổi, lâu lâu lại ra đây nhặt cỏ và hái hoa đậu biếc về pha trà. Vườn rừng có hẳn một khu Vườn giác quan, ở đó hoa rực rỡ và cây nhỏ thấp xâm xấp, thích hợp với các hoạt động nhặt cỏ, khám phá cây cối của học sinh.

"Nhiều trường nước ngoài cho học sinh đến đây lắm. Các bạn nước ngoài nhặt cỏ siêu. Có mấy nhóm trẻ tự kỷ cũng đến đây. Đi về rồi, thấy bố mẹ các bạn báo lại đòi đi trồng cây tiếp. Nhiều lớp học môi trường cũng tới đây. Các cháu ở mấy trường khu Chương Dương đi học về cũng tạt qua chơi", bà Nguyễn Ngọc Thúy, cán bộ phụ nữ, nói. Bài học cơ bản đầu tiên, theo bà Thúy, chính là về cây bản địa. Người dân ở đây cũng thuộc cây nhiều hơn sau khi có vườn rừng vì cây đều được gắn biển tên dần dần.

Ông Nguyễn Hoàng Hào, chuyên gia về chim của Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, cho biết mùa này công viên Bờ Vở Chương Dương có khoảng 30 loài chim bản địa. Đây là con số ông đếm bằng âm thanh của chim hót và nhìn thấy bằng ống nhóm. Tuy nhiên, ông chưa chụp ảnh được hết các loài này vì việc chụp ảnh phức tạp hơn. Trong số chim này, chào mào là nhiều nhất và lúc nào cũng huyên náo. 

Ông cho biết: "Đếm được khoảng 30 loài chim bản địa, như thế cũng là nhiều đấy". Ông Hào cũng đang tiếp tục theo dõi sự di cư của chim ở đây. Việc này đòi hỏi thêm thời gian mới có kết quả vì một chu kỳ theo dõi chim di cư kéo dài 3 - 5 năm, còn công viên này mới chỉ khánh thành 1 năm.

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 9.

Việc nghiên cứu các loài chim tiếp tục được thực hiện ở công viên Bờ Vở Chương Dương

HOÀNG HẢO

Song song với theo dõi chim, ông Hào cũng hướng dẫn bà con trồng rừng sao cho phù hợp. Lúc đầu, bà con vì hào hứng đã mua về nhiều cây ngoại lai, nhưng sau khi được nghe giải thích, họ đã bắt đầu mang tới các loài cây bản địa. 

"Quá trình phát triển cây ở đó thì họ cũng đã không mang cây không phải cây bản địa đến đó nữa. Bình thường người ta có thể mang cây ngoại lai đến, nhưng tôi bảo chỉ trồng cây bản địa thôi thì người ta lại mang đến. Họ cũng hiểu ra và để cây bản địa phát triển", ông Hào nói. Có những vườn ươm cây, khi biết cây sẽ được ươm trồng rừng đã giảm giá "tình thương mến thương" cho Bờ Vở Chương Dương.

Thậm chí, ông Bình cho biết, không gian xanh khác hẳn không gian rác trước đây đã "hút" người đến sống. "Trong nhóm zalo của cộng đồng công viên, một hôm có người hỏi các các bác có biết nhà ai ở gần sân chơi cho thuê không. Tức là họ muốn chuyển ra đó. Một tin nhắn như thế rất là thú vị. Ngày xưa họ muốn ra khỏi cái khu ngập rác đấy bây giờ thì họ tụ về đấy. Thấy rõ đã có sự biến đổi", ông Lê Quang Bình nói.

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 10.

Đánh cờ ở công viên

VMHN

Nhưng ông Hào cũng có những tâm tư về hướng phát triển lâu dài của Công viên rừng Bờ Vở Chương Dương. Ông tâm sự: "Làm tư vấn sinh thái cho dự án công viên này từ đầu, tôi thấy đến giờ nó đang lệch sang một hướng khác. Công viên đang chuyển sang khu vui chơi cộng đồng hơn là khu sinh thái và phát triển và tái tạo sinh cảnh bản địa. Mục tiêu đấy bị giảm xuống cũng do quá thiếu không gian sinh hoạt công cộng vốn là việc cấp thiết hơn, thấy rõ hơn".

Chính vì thế, ông Hào cho rằng: "Việc đi lệch hướng đấy lại tạo ra hướng mới là cần phải mở rộng diện tích vườn rừng. Mở rộng rừng hơn sẽ cân bằng được với nhu cầu sân chơi, mở rộng vườn rừng cũng sẽ giải quyết được tái tạo sinh cảnh bản địa. Mở rộng rừng sẽ giải quyết được cả hai vấn đề. Chỉ có điều nó không nhanh được. Môi trường sinh thái phá đi thì rất nhanh, chứ tái tạo lại lâu". Việc mở rộng diện tích rừng, cũng theo ông Hào, sẽ giúp bãi giữa sông Hồng trở thành một khu sinh cảnh bản địa có giá trị, cũng thích hợp với nhu cầu phát triển bền vững khu vực này.

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 11.

Những con trâu sau khi bày tết ở hồ Hoàn Kiếm đã được mang về công viên Bờ Vở Chương Dương

VMHN

Giờ đây, công viên rừng Bờ Vở Chương Dương trở thành một địa điểm thu hút hoạt động giao lưu ở nhiều cấp, nhiều ngành như môi trường, văn hóa, giáo dục. Từ hoạt động giao lưu cờ tướng, bóng rổ, đến trải nghiệm môi trường, tâm lý. Cũng có cả những nhóm tới học kinh nghiệm tổ chức một không gian công viên xanh cho cộng đồng. 

Các tổ chức quốc tế, các sứ quán cũng vô cùng thích thú tham gia hoạt động tại đây. Công viên vườn rừng Bờ Vở Chương Dương đã trở thành một tấm danh thiếp văn hóa. Và nếu phần vườn rừng tiếp tục được mở thêm ra bãi giữa, chạy dọc sông Hồng, giấc mơ một Hà Nội có một "danh thiếp công viên" rạng rỡ như Central Park của New York có cơ hội lớn để thành hiện thực.

BÀI 4: CÔNG VIÊN RỪNG TRONG THÀNH PHỐ - Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.