Cosplay - Hiệu ứng từ thế giới ảo

30/08/2009 11:11 GMT+7

(TNTT>) Cosplay đang chinh phục giới trẻ nhiều nước bởi nó giúp người ta biến ước mơ thành hiện thực. Và Cosplay đang có những đồng minh thân cận để phát triển là truyện tranh, truyền hình và game...

Khi người Nhật phát minh ra karaoke, cả thế giới đã hát theo họ. Điều này làm các công dân xứ hoa anh đào rất tự hào và thế hệ trẻ Nhật đang mơ rằng trong tương lai, thế giới sẽ mặc theo họ. Những bộ kimono truyền thống có thể không làm thế giới phát điên nhưng Cosplay đang trở thành một phong trào mới ngày càng phát triển trong giới trẻ.

 Giới trẻ rất thích mặc bộ kimono của nhân vật Yuna (trái) trong game Final Fantasy

Cosplay là gì?

Bản thân cái tên Cosplay đã cho thấy nó không phải là một từ gốc của Nhật. Nếu tra trong các bộ từ điển tiếng Anh truyền thống, từ Cosplay cũng không xuất hiện. Nhưng nếu nói với một cô gái Nhật hay một chàng trai Mỹ, Cosplay là gì thì bạn có thể được nghe sự giải thích tường tận. Nó đơn giản là từ ghép giữa “costume” (trang phục) và  "play" (kịch phim). Ý nghĩa của Cosplay là ăn mặc trang phục giống như nhân vật trong truyện tranh, phim ảnh...

Người đầu tiên dùng từ Cosplay là một người Nhật có tên Nobuyuki Takahashi. Năm 1984, Nobuyuki khi đó mới 27 tuổi đã là chủ Studio Hard. Cùng năm đó, ông tham gia buổi trình diễn thời trang Los Angeles SF Worldcon tại Mỹ. Các bộ trang phục của Nobuyuki lấy cảm hứng từ những nhân vật trong truyện tranh Star War. Dưới ánh sáng mờ ảo của sàn diễn, Nobuyuki bị mê hoặc bởi chính những bộ trang phục do ông thiết kế. Ông không ngờ người thật khi mặc trang phục của các nhân vật truyện tranh lại có sức sống tuyệt vời đến như thế.

Sau khi về nước, Nobuyuki đã viết trên My Anime, một tạp chí dành cho độc giả truyện tranh về Cosplay. Lập tức, phong trào này tạo ra ảnh hưởng sâu rộng trong giới trẻ Nhật. Người Mỹ cho rằng họ mới là người sáng tạo ra Cosplay vì năm 1939, nhà thiết kế Forrest J. Ackerman đã cho trình diễn những bộ thời trang siêu tưởng trong tương lai rất giống với Cosplay của Nobuyuki thể hiện năm 1984. Nhưng lập luận này thiếu thuyết phục. Các trang phục cho tương lai của Ackerman chỉ thiết kế cho vui và bị rơi vào quên lãng suốt 45 năm. Còn Nobuyuki đã tạo ra một xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trong giới trẻ trên toàn thế giới.

Bài báo đầu tiên nói về Cosplay của Nobuyuki được in trên tờ My Anime năm 1984

Vì sao giới trẻ thích cosplay?

Việc Cosplay nhanh chóng chiếm lĩnh trái tim của giới trẻ không có gì khó hiểu. Trong những năm đầu thập niên 80, truyện tranh đã trở thành một ngành kinh doanh phát triển tại Nhật Bản. Mỗi cô bé và cậu bé Nhật đều thả hồn vào trong các trang truyện tranh với mơ mộng trở thành hoàng tử hay công chúa, thành nam siêu nhân hoặc nữ anh hùng...

Và khi tiếp xúc với Cosplay, điều đương nhiên là giới trẻ Nhật nhận thấy họ có thể biến giấc mơ thành hiện thực một cách dễ dàng. Việc may một bộ đồ hay để một kiểu tóc cho giống với nhân vật trong truyện tranh bắt đầu trở thành một thứ mốt không bao giờ lỗi thời. Thứ mốt này theo thời gian đã nhanh chóng lan sang các nước láng giềng của Nhật Bản, những nơi bị ảnh hưởng bởi "văn hóa truyện  tranh" của người Nhật.

Còn khi sang đến phương Tây, Cosplay cũng nhanh chóng được tiếp nhận dù tại đó, truyện tranh Nhật không phổ biến. Nhưng lợi thế để Cosplay phát triển tại phương Tây là giới trẻ tại đây rất thích hóa trang. Với những người đã từng thích hóa thân thành ma quỷ trong lễ hội Halloween thì tất nhiên họ sẽ thích những trang phục Cosplay lạ mắt.

Cosplay ngày càng thu hút giới trẻ từ châu u đến châu Á

Xu hướng phát triển của cosplay

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của công nghiệp giải trí, Cosplay càng củng cố được vị trí vững chắc trong lòng giới trẻ. Nguồn cảm hứng của Cosplay không chỉ đến từ các nhân vật trong truyện tranh Anime hay Manga mà còn đến từ phim hoạt hình và cả thế giới game. Sự phát triển của đồ họa cho phép các nhà làm phim và sản xuất game đưa ra các nhân vật chi tiết hơn, lộng lẫy hơn, đẹp mắt hơn. Và Cosplay cũng xuất hiện các bộ trang phục tinh xảo hơn, lung linh hơn và quyến rũ hơn.

Nhưng Cosplay không chỉ đơn thuần là hóa trang vào các nhân vật mà nó còn đòi hỏi người tham gia Cosplay (tiếng Anh: Coplayer và tiếng Nhật: reyazu) phải thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ánh mắt giống hệt như cái hồn của nhân vật.

Nhân vật Yuna là một ví dụ. Cô gái trong phim hoạt hình và game Fantasy có rất nhiều fan hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Các Cosplayer muốn hóa thân vào Yuna không chỉ khoác lên người bộ kinomo cách điệu mà còn phải thể hiện khuôn mặt ôn nhu, ánh mắt thánh thiện giống như nhân vật.

Nhưng không phải các trang phục nào trong Cosplay cũng quyến rũ như bộ kimono của Yuna. Trong thế giới giải trí, cũng có nhân vật mặc các bộ thời trang kinh dị. Khi các Cosplayer bắt chước các nhân vật này, nó sẽ tạo ra sự phản cảm với nhiều người. Một phụ huynh khó tính sẽ không thể chấp nhận con họ tham gia Cosplay bằng cách mặc áo hở hang, xịt keo cho tóc dựng đứng rồi nhuộm màu xanh đỏ. Nhiều người sẽ còn sốc hơn nếu biết trong Cosplay có xu hướng kỳ quặc là người nam hóa thân vào nhân vật nữ, hoặc người nữ lại cố gắng hóa thân vào nhân vật nam. Dân Cosplay gọi trường hợp đó là Crossplay.

Tại Việt Nam, Cosplay đã thâm nhập vào từ năm 2004. Khen cũng nhiều và chê cũng không ít. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là nó đang chiếm lĩnh sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Tại Hà Nội và TP.HCM, đã có những buổi trình diễn của các fan Cosplay. Nhiều người nói rằng họ thích Cosplay vì nó phá cách, khác lạ và đem lại cảm giác mới. Nhưng  Nobuyuki, cha đẻ của Cosplay vừa phát biểu tại cuộc thi Cosplay  thế giới ở Tokyo hồi đầu tháng 8 rằng: "Để Cosplay thành công như karaoke thì nó đừng xa rời thế giới thực quá".

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.