Cụ thể, khoảng 15 giờ 15 ngày 15.9, anh Nguyễn Việt Hùng (quê Thái Nguyên) điều khiển ô tô 20L-8888 lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Khi qua địa phận H.Sóc Sơn (TP.Hà Nội), xe của anh Hùng bị tổ công tác thuộc Phòng 8, Cục CSGT - Bộ Công an, ra hiệu lệnh dừng do vi phạm lỗi chạy quá tốc độ.
Trong khi anh Hùng xuống xe làm việc với CSGT thì xe tải do anh Nguyễn Văn Thành (34 tuổi, quê Hà Nội) lao tới đâm vào đuôi xe 20L-8888; sau đó tông vào anh Hùng và anh CSGT Nguyễn Anh Tuấn. Vụ tai nạn làm anh Hùng tử vong do vết thương quá nặng, còn anh Tuấn được đưa tới bệnh viện cấp cứu.
|
|
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 19.9, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết vụ việc trên đang được Công an TP.Hà Nội điều tra nên Cục sẽ không phát ngôn, nhằm đảm bảo sự việc được tiến hành điều tra một cách khách quan. Trong khi đó, đại tá Lê Ngọc Ly, Trưởng công an H.Sóc Sơn, cho hay: “Hiện chúng tôi đang điều tra, chưa thể cung cấp thông tin về vụ việc”.
Quy định cho phép CSGT dừng xe
tin liên quan
Tai nạn giao thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ùn ứ gần 3kmCũng theo đại tá Sơn, hiện lực lượng CSGT thực hiện việc tuần tra kiểm soát phương tiện trên đường bộ, gồm cả đường cao tốc, là căn cứ theo tinh thần Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của lực lượng CSGT. Thông tư cho phép CSGT chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát trong một số trường hợp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, đúng quy định pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông.
|
|
“Căn cứ theo Thông tư 01/2016, CSGT không được dừng xe trên đường cao tốc để kiểm soát những lỗi thông thường. Trong một số trường hợp đặc biệt, CSGT được phép dừng nhưng phải tuân thủ theo những quy trình, trình tự đặc biệt”, ông Sơn nêu quan điểm và cụ thể trường hợp CSGT được phép dừng phương tiện khẩn cấp nếu phát hiện phương tiện lưu thông có dấu hiệu gây nguy hại cho người đi đường, gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình giao thông hoặc dấu hiệu tội phạm...
|
“Đối với các trường hợp này, CSGT sẽ hướng dẫn, đưa phương tiện vào các lối dừng khẩn cấp trên đường cao tốc, yêu cầu tài xế tắt máy. Phía sau chỗ dừng, lực lượng làm nhiệm vụ phải tổ chức cảnh báo cách đó 150 m để báo hiệu cho các xe lưu thông, tránh nguy hiểm cho các phương tiện khác đang lưu thông”, đại tá Sơn nói.
Nguy hiểm với cả tài xế lẫn CSGT
Dù quy định cho phép CSGT được dừng xe vi phạm trên cao tốc, song hầu hết giới tài xế và cả đơn vị quản lý cao tốc… đều cho rằng trong trường hợp không thật cần thiết thì không nên dừng, bởi sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho tài xế mà cả lực lượng CSGT. “Năm ngoái tôi suýt tông một CSGT trên cao tốc TP.HCM - Long Thành, do anh CSGT băng ra bất ngờ để ra hiệu lệnh dừng chiếc ô tô chạy quá tốc độ vừa vượt lên trước xe tôi. Lúc đó tôi chạy tốc độ 85 km/giờ (tốc độ cho phép 120 km/giờ) và bị giật mình đánh lái khi thấy CSGT bất ngờ băng ra. May mà tốc độ không cao, chứ nếu chạy trên 100 km/giờ thì không biết chuyện gì xảy ra”, anh Thanh Tùng (ngụ TP.HCM) nhớ lại.
Đại diện Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E) - đơn vị được giao quản lý khai thác đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cho biết trong thiết kế đường cao tốc đều có camera để giám sát phương tiện. “Việc CSGT dừng xe trên làn đường khẩn cấp sẽ rất nguy hiểm cho phương tiện bị dừng, các phương tiện khác và kể cả lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Trong quy chế phối hợp, bên công ty hằng tuần vẫn gửi hình ảnh xe vi phạm trên cao tốc cho CSGT. CSGT dựa trên hình ảnh các phương tiện vi phạm và tiến hành xử phạt theo đúng quy định”, vị này nêu quan điểm.
Đại tá Trần Sơn cũng nhìn nhận, trên cao tốc, các phương tiện được phép chạy với tốc độ tối đa, có thể 100 - 120 km/giờ hoặc hơn nữa. Do đó, để đảm bảo an toàn giữa các phương tiện, đơn vị quản lý đã đặt các biển báo cự ly về khoảng cách an toàn, chẳng hạn như biển báo 50 m, 100 m hay 150 m. “Do phương tiện lưu thông tốc độ cao, để dừng xe là rất khó nên người ta mới nghĩ các biện pháp đảm bảo xử lý qua hình ảnh, qua phạt nguội hoặc các hình thức khác”, đại tá Sơn nói và cho biết tại các tuyến cao tốc hiện nay đều có gắn các camera để giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của lái xe, trong đó tập trung vào 3 lỗi chính: giám sát phương tiện chạy quá tốc độ cho phép; giám sát việc chấp hành hiệu lệnh biển báo hiệu tín hiệu và giám sát việc chấp hành quy định về làn, lề đường.
“Căn cứ theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, việc phát hiện xử lý vi phạm của tài xế trên đường cao tốc là thẩm quyền của Cục CSGT. Trong trường hợp tài xế mắc một trong các lỗi trên thì trung tâm giám sát hình ảnh sẽ gửi thông tin lỗi của tài xế đến lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Và việc xử lý vi phạm của tài xế thường diễn ra tại các điểm thu phí của đường cao tốc. Bởi lúc này, các phương tiện lưu thông với tốc độ thấp và phải dừng lại để mua vé, nộp phí, việc xử lý sẽ dễ dàng hơn”, đại tá Trần Sơn nói.
Nên chuyển từ “chặn” sang “bám”
Theo TS Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines, CSGT Mỹ cũng có quyền dừng phương tiện trên đường cao tốc nhưng cách làm “rất khác VN”. Ở VN, CSGT thường “chặn” xe từ phía trước, còn ở Mỹ thì CSGT “bám” theo xe vi phạm và phát tín hiệu yêu cầu dừng xe.
“Khi biết xe của mình bị yêu cầu dừng (pull over), lái xe vi phạm bật đèn nhấp nháy khẩn nguy để báo cho CSGT và những xe khác biết mình đang tìm cách dừng. Lái xe vi phạm quyết định dừng xe ở đâu không cản trở giao thông, đảm bảo an toàn cho bản thân và cho CSGT. Nếu có làn khẩn nguy đủ rộng thì lái xe vi phạm dừng xe trên làn khẩn nguy, xe của CSGT dừng sau xe vi phạm và liên tục phát tín hiệu đèn để mọi xe khác đều nhìn thấy. Nếu không có làn khẩn nguy thì lái xe vi phạm và xe CSGT sẽ chạy tiếp cho đến nơi nào có thể dừng xe an toàn.
TS Lương Hoài Nam cho rằng trong trường hợp thật cần thiết phải dừng phương tiện, CSGT VN cũng nên áp dụng cách thức “bám” theo để đảm bảo an toàn cho cả mình và người tham gia giao thông.
|
Bình luận (0)