CSGT Đà Nẵng giải thích việc yêu cầu sinh viên vi phạm chép phạt gây 'bão mạng'

03/04/2016 20:15 GMT+7

Chuyện CSGT phạt sinh viên đi ngược chiều hôm 1.4 trên đường Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng bằng cách cho chép phạt, sáng nay, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Thanh Niên Online .

Chuyện CSGT phạt sinh viên đi ngược chiều hôm 1.4 trên đường Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng bằng cách cho chép phạt, sáng nay, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Thanh Niên Online.

Lực lượng CSGT Đà Nẵng làm nhiệm vụ - Ảnh: Nguyễn TúLực lượng CSGT Đà Nẵng làm nhiệm vụ - Ảnh: Nguyễn Tú
Trước đó, tháng 12.2015, CSGT Đà Nẵng cũng khiến dân mạng bất ngờ khi xử phạt người vi phạm giao thông bằng cách yêu cầu mua kẹo ủng hộ bà lão bán hàng rong.
Trả lời Thanh Niên Online sáng nay, 3.4, đại tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng cho biết: Theo quy trình, CSGT phát hiện người vi phạm thì phải xử lý ngay theo 2 hình thức phạt: phạt tiền hoặc cảnh cáo. Lực lượng CSGT với nhiệm vụ cụ thể, trước hết phải thực hiện tốt và chấp hành điều lệnh.
"Tuy nhiên, mục đích chính của CSGT là khuyến khích người tham gia giao thông không vi phạm, cách xử lý như những trường hợp CSGT áp dụng thời gian qua như chép phạt, mua kẹo ủng hộ bà lão... về bản chất đó cũng là một hình thức phạt cảnh cáo, tuy nhẹ nhàng nhưng chắc chắn sẽ thấm sâu vào ý thức của người vi phạm, đôi khi hiệu quả hơn việc phạt tiền", đại tá Lê Ngọc nói thêm.
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú
* Thưa đại tá, vì sao lực lượng CSGT Đà Nẵng có những cách xử lý linh hoạt như trên?
- Đại tá Lê Ngọc: Từ năm 2007, Thành ủy, HĐND, UBND TP.Đà Nẵng đã định hướng xây dựng Đà Nẵng là thành phố du lịch, thân thiện. Ban giám đốc Công an TP.Đà Nẵng cũng luôn chỉ đạo các phòng ban, đơn vị tùy theo điều kiện công tác cụ thể xây dựng hình ảnh người công an nhân dân gần dân để phục vụ dân. Do đó, chúng tôi nghĩ thân thiện trong cách xử lý vi phạm giao thông cũng là một cách hiện thực hóa chủ trương đó.
Hiện nay, việc tổ chức giao thông có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến người tham gia giao thông như biển báo bị che khuất, người ngoại tỉnh hoặc một số tác động ngoại cảnh khác khiến họ không để ý, vô tình vi phạm. Hoặc một số trường hợp vi phạm giao thông là công nhân, lương thấp, tăng ca chỉ được bồi dưỡng 1 trái chuối, nếu bị phạt tạo thêm gánh nặng cho gia đình, vợ con.
Tùy theo điều kiện cụ thể mà CSGT có cách xử lý linh hoạt - Ảnh: Nguyễn Tú
Trong các buổi trao đổi nghiệp vụ, chúng tôi đều nêu các trường hợp trên, để anh em CSGT thấy rằng, không phải ai cũng muốn vi phạm giao thông, có một số trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, việc xử lý của anh em CSGT cũng rất linh động, tùy trường hợp cụ thể, đối với những lỗi cố ý như vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm thì chúng tôi kiên quyết xử lý, bất kể lý do khó khăn nghèo khổ, bởi đây là những lỗi chủ quan, trực quan mà người lưu thông trên đường phải tuyệt đối chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.
* Qua những câu chuyện về kiểu phạt ngộ nghĩnh trên, lực lượng CSGT muốn nhắn nhủ điều gì với người tham gia giao thông cũng như cán bộ, chiến sĩ CSGT Đà Nẵng đang làm nhiệm vụ?
- Niềm hạnh phúc nhất của CSGT là trong ngày làm việc là không có tai nạn giao thông, tính mạng con người là trên hết, muốn vậy thì người dân phải chấp hành pháp luật, đó là mong muốn lớn nhất của lực lượng, có vậy mới xây dựng được thành phố đáng sống, văn minh.
Còn đối với anh em CSGT đang làm nhiệm vụ, chúng tôi rất vui khi có được những hành động ý nghĩa, được người dân khen tặng, nhưng đằng sau lời khen có rất nhiều áp lực, đó là chúng tôi xây dựng hình ảnh CSGT thân thiện và phải giữ cho được hình ảnh đó. Do đó, chúng tôi liên tục nhắc nhở cán bộ chiến sĩ trong công tác tuần tra kiểm soát phải chuẩn mực, xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm, tùy theo điều kiện cụ thể mà xử phạt hoặc có thể cảnh cáo.
- Xin cảm ơn đại tá!
Cả bốn sinh viên chép phạt
Trung tá Trần Việt Hòa, Đội trưởng Đội CSGT Công an Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng, cho hay câu chuyện trên mạng nhắc đến đó là Tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT Công an Q.Ngũ Hành Sơn tại chốt cầu Tiên Sơn, 1 trong 4 chốt CSGT Ngũ Hành Sơn làm nhiệm vụ 2 ca ngày (6-8 giờ và 16 giờ 30 - 18 giờ 30).
Theo đó, chiều 1.4, Tổ tuần tra kiểm soát do thiếu úy Huỳnh Phước Chiến làm tổ trưởng, cùng 2 tổ viên là trung sĩ Lê Nguyễn Tấn Trường và trung sĩ Huỳnh Ngọc Trung phát hiện 3 sinh viên nữ, 1 sinh viên nam điều khiển xe máy đi ngược chiều. Ngoài ra còn có một số người lớn tuổi cũng vi phạm và bị CSGT thổi dừng xe để xử lý.
“Sau khi kiểm tra giấy tờ xe, các em bày tỏ khó khăn, sợ nộp phạt tốn tiền và xuất trình thẻ sinh viên, hứa không tái phạm nên tổ tuần tra cho 4 sinh viên chép phạt để các em nhớ lỗi vi phạm. Đối với các trường hợp người lớn tuổi thì tổ tuần tra nhắc nhở, cho đi", trung tá Hòa kể.
Cách xử lý của tổ tuần tra như vậy là phù hợp với chủ trương của ban chỉ huy đội, việc phạt cảnh cáo áp dụng tùy trường hợp cụ thể, làm sao để đạt được mục đích cuối cùng là người dân có nhận thức đầy đủ về biển cấm để không tái phạm. Còn đối với trường hợp cố tình thì lực lượng vẫn lập biên bản xử phạt nghiêm”, trung tá Hòa cho biết thêm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.