CSGT TP.HCM đang thực hiện tổng kiểm soát vi phạm nồng độ cồn ban ngày lẫn ban đêm nhằm kéo giảm tai nạn giao thông từ nay đến tết. Theo đó, các đội/trạm CSGT sẽ phối hợp với nhau thành các cụm đi tuần tra liên tục, đo nồng độ cồn người tham gia giao thông.
CSGT TP.HCM đổi phương án đo nồng độ cồn ban ngày thế nào?
Từ ngày 24.11 đến 2.12, CSGT toàn TP đã tổng kiểm tra hơn 51.300 trường hợp, lập biên bản phạt gần 1.500 trường hợp vi phạm (51 ô tô, còn lại là xe máy). Trong đó, có 2 người lái ô tô có ma túy trong cơ thể, 6 người lái xe máy có ma túy và 1 người lái xe máy vừa có cồn vừa có ma túy trong cơ thể.
Có người ngại dùng chung ống thổi
Bằng cách kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế với máy đo nồng độ cồn định tính, mỗi ca tuần tra, CSGT có thể mời được từ vài trăm đến hơn 1.000 trường hợp.
Theo ghi nhận của PV, khi CSGT tổng kiểm soát nồng độ cồn khu vực bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Q.1, TP.HCM), với 3 máy đo nồng độ cồn định tính, từ 20 giờ - 2 giờ sáng hôm sau, tổ công tác đã tổng kiểm soát hơn 1.200 trường hợp.
Nhiều người khi được mời thổi vào máy đo nồng độ cồn định tính đã ngại ngùng hỏi CSGT: "Không thay ống thổi à anh?", "Thổi chung lây bệnh thì sao?"...
Trong ca ghi nhận khác trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh), PV cũng ghi nhận một số người thắc mắc về việc CSGT dùng chung ống thổi cho nhiều người khi đo nồng độ cồn định tính.
CSGT giải thích khi nào đo nồng độ cồn định lượng xác định cụ thể mức vi phạm, người dân mới phải ngậm ống, còn phương pháp đo nồng độ cồn định tính, người dân không phải ngậm ống nên không phải thay. Dù vậy, nhiều người vẫn "hơi ớn" khi phải thổi nồng độ cồn bằng cách này.
Xem nhanh 12h ngày 4.12: CSGT đổi phương án đo nồng độ cồn ban ngày
Vì sao CSGT không thay ống thổi?
Ống thổi nồng độ cồn gắn ở máy đo định tính xác định "có cồn" hay "không có cồn" có hình dạng như một chiếc phễu. Hình thức đo nồng độ cồn này được gọi là đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Khi vừa áp dụng tại TP.HCM vào năm 2014, CSGT chỉ dùng để đo nồng độ cồn đối với người lái xe ô tô, số lượng người được kiểm tra sẽ nhiều hơn vì không tốn nhiều thời gian.
Đặc điểm của máy đo nồng độ cồn này rất nhạy bén, một số trường hợp lái xe không sử dụng rượu, bia nhưng máy vẫn báo "có cồn" là vì trên xe có người đã sử dụng. Đây là tình huống thường gặp ở các lái xe taxi. Do vậy, khi máy báo "có cồn", lái xe sẽ được kiểm tra thêm một lần nữa bằng cách thổi vào máy đo cồn định lượng để xác định chính xác là có nồng độ cồn trong hơi thở hay không.
Thời gian xuất hiện dịch Covid-19, CSGT TP.HCM đã ngưng kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp này để phòng, ngừa dịch. Trong đợt tổng kiểm soát nồng độ cồn ban ngày lẫn ban đêm từ nay đến tết, CSGT đã áp dụng đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế với cả người đi xe máy.
Lãnh đạo một đội CSGT cho biết, với hình thức đo nồng độ cồn định tính, CSGT sẽ hướng dẫn người tham gia giao thông để miệng cách ống từ 10 - 20 cm và nói chuyện bình thường hay đếm từ 1 đến 5 là máy đã xác định được có cồn hay không.
"Người tham gia giao thông không phải ghé sát miệng hay ngậm vào phễu/ống gắn trên máy đo. Ưu điểm của cách kiểm tra này là kiểm tra được nhiều trường hợp. Dù được CSGT hướng dẫn nhưng một số người không biết vẫn định kê sát miệng vào ống, CSGT sẽ chủ động kéo máy ra xa", vị này chia sẻ.
Bình luận (0)