Tìm đến nhà của bà Lê Thị Kim Nhung (76 tuổi, TP.Thủ Đức, TP.HCM) – người vừa được UBND TP.HCM tuyên dương Những tấm gương thầm lặng mà cao cả, chúng tôi bất ngờ vì khu vườn rộng rợp bóng cây, hoa lá. Phía sau nhà chính là căn nhà khác rộng chừng 50 mét vuông bà Nhung mua lại hơn chục năm trước để đón người già về nhà nuôi ăn ở, chăm sóc như chính người thân của mình.
Ra đón PV, bà Nhung liên tục nhắc đi nhắc lại: “Đừng viết gì về tui, tui làm để trả nợ đời thôi. Mấy cô chú muốn biết tui sao thì hỏi mấy người ở đây là rõ hết nè. Suốt ngày tui bắt họ đi khám bệnh, đi tập thể dục, đi mổ mắt chứ không tốt đẹp gì…”.
Nghe bà nói vậy, chúng tôi cười, mấy cụ được bà rước về nuôi cũng cười nói: “Bả là vậy đó, tự dưng 'xách' tui đi mổ mắt cho giờ sáng trưng vậy đó”.
Từng phản đối cha mẹ làm từ thiện, giờ thì…
Khuôn viên gia đình rộng rãi được bà Nhung chia thành nhiều khu, 2 phần rộng nhất xây xưởng cho thuê, 2 căn nhà (khoảng 100 mét vuông và 50 mét vuông) được dành riêng để nuôi dưỡng những người già mà bà rước về. Hiện, bà Nhung đang nuôi 6 cụ, trong đó 1 cụ đang ở bệnh viện, 1 cụ ở nhà trọ, 4 cụ ở nhà của bà.
|
Nói về lý do nuôi người già, bà Nhung nói: “Mấy người thấy tui đủ thứ bệnh khuyên đừng nuôi chi cho cực, vì người già cũng lắm chuyện phức tạp. Suốt ngày tui đi giải quyết chuyện họ cãi nhau, đánh nhau cũng có, nhưng vì nhớ lời mẹ dặn, mẹ nói tui đang “mắc nợ” nên tui phải làm, mà làm thì thấy vui”.
Bà kể bà liên tục được cha mẹ nhắc lại câu chuyện về ngày bà còn ẵm ngửa, trong một lần chạy tản cư cùng mẹ và anh trai từ Trà Vinh đến Cái Mơn (Bến Tre) thì bị lạc vào một cù lao. Lúc đó, một cụ bà đã gọi mẹ con bà lên, nấu cơm cho ăn, nhường chỗ ăn ngủ qua đêm vì sợ ở dưới ghe sẽ bị cướp.
Sau ơn cứu mạng, cha mẹ bà thường làm việc thiện, nhà có gì cũng cho những người khó khăn hơn. Ai đến xin cũng chưa bao giờ cha mẹ bà từ chối. Nhiều lần, bà Nhung không đồng ý với lối sống “quá tử tế” của cha mẹ. Bà nói mẹ mình tử tế một, thì ba bà nhiều khi còn hơn: “Tôi nhớ lúc đó nhà còn ít tiền để mẹ đi chợ cho mấy ngày tới. Một người bạn của ba tôi gặp khó khăn nên ngỏ ý nhờ ông giúp đỡ, vậy là ông lấy hết tiền đó cho người ta”.
|
“Mẹ tôi nhắc suốt là: không có sự giúp đỡ đó, liệu giờ các con còn sống không, má còn sống không. Con nên nhớ mình đang mắc nợ và mình phải trả nợ, tui sợ hai chữ mắc nợ ghê vậy đó”, bà Nhung nhớ lại. Vì vậy, khi làm ăn được, có thêm tiền anh chị em ở nước ngoài gửi về, cùng với sự góp chút vốn của một người bạn, bà đã xây căn nhà đầu tiên để rước người già về nuôi.
Theo lời bà Nhung, thời gian đầu mới đón những cụ già về đây, suốt ngày bà lui cui chăm sóc, may là trời thương vẫn cho bà sự hoạt bát dù mang trong người đủ thứ bệnh. Ngoài chăm sóc sinh hoạt cá nhân cho các cụ, bà còn phải đứng ra giải quyết khi có tranh cãi. Nhiều lần, con bà giận quá còn trách mẹ: “Trong đầu má chỉ toàn có người già chứ không có tụi con”, nghe xong, bà chỉ cười nhớ lại chuyện ngày trước bà cũng từng trách cha mẹ mình như thế.
|
Hằng tháng, bà Nhung đều mời nhân viên y tế đến để khám bệnh cho những người được chăm sóc ở đây, riêng ăn uống, điện nước, mỗi tháng khoảng hơn 12 triệu đồng, các khoản khám chữa bệnh khác hay mổ mắt cũng đều do bà chi trả từ tiền cho thuê nhà xưởng.
Thời điểm đông đúc nhất, căn nhà nuôi người già của bà Nhung có đến hơn 10 người, bà phải nhờ thêm người chăm sóc, hoặc chính những người già còn đi lại được chăm sóc người nằm liệt, cứ vậy, các cụ đùm bọc lẫn nhau qua ngày.
'Tự dưng 'xách' đi bắt mổ mắt'
Căn nhà đầu tiên “mở màn” cho việc nuôi người già của bà Nhung là được bày trí đơn giản, gọn gàng với 5 chiếc giường đơn, có khu bếp, 3 nhà vệ sinh, tủ lạnh, ti vi đầy đủ. Trước kia, có thời gian căn phòng này được kê 10 giường nhưng khi số người ở giảm, bà Nhung thu dọn lại bớt để các cụ có không gian rộng rãi sinh hoạt.
|
Thấy bà Nhung đến, bà Lê Thị Quyền (75 tuổi, quê Phú Yên) tháo chiếc kính bảo hộ sau ca mổ cách đây vài hôm kéo ghế niềm nở: “Chị Sáu ngồi đi chị”. Bà Quyền quê ở Phú Yên, năm 17 tuổi bà lấy chồng, sinh được 3 con thì đến năm 24 tuổi chồng mất, bà ở vậy nuôi con cho đến khi tuổi xế chiều.
Thấy các con cực khổ làm thuê làm mướn lại phải lo cho các cháu ăn học, bà được người quen giới thiệu vào đây. Bà chấp nhận cuộc sống xa nhà để bớt phiền con cháu. Sau 6 tháng ở thử, bà mới nói con cháu viết giấy cam kết gửi cho bà Nhung để bà ở lại đây.
“Vì cụ già nhưng còn con cháu chứ không phải neo đơn nên cứ viết tờ đó cho yên tâm, tránh những chuyện cãi nhau sau này”, bà Nhung giải thích. Hơn 3 năm ở đây, chưa một lần về quê thăm con cháu nhưng bà Quyền nói cuộc sống thoải mái hơn vì xung quanh có nhiều người già bầu bạn, không gian sạch sẽ, thoải mái, cảm giác như ở nhà mình.
|
Cùng ở trong căn phòng rộng lớn với bà Quyền là bà Vũ Thị Kim Liên (80 tuổi, quê Nam Định). Bà Liên giới thiệu bà được vào nhà này ở từ ngày căn nhà vừa mới xây xong. Dù điều kiện của con cái cũng đủ sống nhưng vì chật chội nên bà tự nguyện vào đây sinh sống.
"Thấy mắt tôi với chị Quyền đây bị cườm nên tự dưng Nhung bắt đi khám, đi mổ, tốn tiền bả vậy đó. Mới mổ 5 ngày trước đây mà giờ mắt tôi sáng hẳn lên, nhìn mọi thứ xung quanh, thấy cái gì cũng tươi đẹp, thấy đời mình còn đáng sống lắm. Mình già rồi, đôi lúc trái tính trái nết sống làm phiền con cháu cũng không hay. Nên thôi, cứ vào đây các chị em nương nhau mà sống, chăm sóc nhau những ngày tháng xế chiều", bà Liên nói.
Thời đầu mới vào ở, còn mạnh chân mạnh tay, bà Liên chăm sóc cho những bà cụ bị liệt, chính việc vừa ở vừa đóng góp chút sức khiến bà cảm thấy cuộc sống còn có việc để làm, còn có thêm nhiều ý nghĩa.
Đưa bạn già về chăm sóc
Gần 20 năm nuôi người già, đôi khi bà Nhung cũng gặp phải những trường hợp không thực sự khổ như họ kể, thậm chí dù già cả lẩm cẩm nhưng họ còn là “chỗ dựa lưng” của con trẻ. Nhưng nếu ai đến, bà đều nhận nuôi, chăm sóc như người trong nhà.
Trong căn nhà nuôi người già rộng 50 mét vuông khác, bà Nhung đang nuôi 2 người trên 80 tuổi nằm liệt, trong đó có một người là bạn của bà hơn 40 năm trời, đó là cụ bà Nguyễn Thị Năm (81 tuổi).
|
Ngày trẻ, bà Năm là dược sĩ, sau này bà có một quầy cà phê cóc nhỏ trước một khách sạn nổi tiếng ở Sài Gòn. Một thân một mình, bà Năm làm lụng dành tiền mua được căn nhà của riêng mình. Sau này, khi bán nhà, bà Năm lấy tiền chia cho các cháu là con của anh trai, bà cầm lại một ít vào gửi bà Nhung nhờ bà chăm sóc. 10 năm trôi qua, bà Nhung vẫn là người bầu bạn ở bên, lo cho bà Năm từng bữa ăn và cả chuyện vệ sinh cá nhân.
“Ở đây bà Nhung xem tôi như chị em, cả đời cô đơn rồi, vào đây thấy như người trong nhà, vui hơn”, giọng bà Năm the thé tâm sự.
Gần đây, bà Nhung bị bệnh thì việc chăm sóc bà Năm cùng một bà cụ nằm liệt khác được giao cho bà Nguyễn Thị Tình (65 tuổi, quê Thái Bình). Bà Tình cũng có con cháu, chồng mất và tự nguyện vào đây vì thấy công việc này có ý nghĩa, mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống, dù đôi khi các cụ cũng khó chịu, la hét nhưng bà vẫn chăm họ như mẹ của mình, chỉ vì thấy bản thân nên làm như vậy.
|
Không chỉ nuôi người già, bà Nhung cũng từng giúp nhiều đứa trẻ trong xóm được tới trường, sau này khi học hành thành tài, họ dắt con cái đến thăm gọi bà nội, bà ngoại khiến bà hạnh phúc.
Sắp tới, bà Nhung sẽ chuyển 2 cụ ở căn nhà rộng về ở cùng 2 cụ liệt, sau đó sửa sang lại nhà cửa, đón những người bán vé số về ở miễn phí. Khi PV hỏi bà định tiếp tục công việc nuôi người già này đến khi nào bà Nhung cười rồi nói: “Khi nào các cụ bà không còn nữa, thì thôi...”.
Bình luận (0)