Hồ Đá không xuất hiện trên bản đồ địa lý, vì là hồ nhân tạo, được hình thành từ việc khai thác đất đá của Xí nghiệp khai thác đá 621 phục vụ xây dựng và làm đường, nhưng đã ngừng khai thác vào năm 1986 do đụng mạch nước ngầm. Sau đó, đơn vị khai thác rút đi để lại những hố sâu, rộng hàng chục héc ta. Khu vực Hồ Đá được giới sinh viên và người dân địa phương gọi bằng nhiều cái tên như Thung lũng tình yêu, hồ hoang, hồ tử thần, hồ “ma ám”, bến tình…
|
Công an P.Đông Hòa và Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM đặt những hàng rào dây thép gai xung quanh tất cả các hồ trong khu vực Hồ Đá (gồm ba hồ đá và ba hồ đất với diện tích gần 100 ha, mỗi hồ có độ sâu khoảng 30 m) cùng nhiều biển cấm với nội dung: cấm tắm, cắm bơi lội, cấm đi dạo trên vách đá vì hồ đá nước sâu nguy hiểm, đã có nhiều người chết trong hồ và nguy cơ tai nạn luôn rình rập… Thế nhưng tất cả dường như chẳng đả động gì tới ý thức của không ít người đến đây.
Suốt một thời gian theo dõi, chúng tôi không khỏi rùng mình khi mỗi ngày từ trưa đến tối mịt đều chứng kiến những hình ảnh nhiều nhóm bạn trẻ, mỗi nhóm cả chục thành viên nhảy từ những vách đá cao xuống hồ nước sâu thăm thẳm để tắm, bơi lội… “Biết bơi mà sợ quái gì. Toàn lời đồn nhảm nhí. Ai sợ mặc sợ, còn chúng mình thì cứ vô tư đi”, một thanh niên nói rồi cả nhóm cùng cười to, sau đó tiếp tục thi thố xem ai “bay” xuống nước xa hơn, nhào lộn đẹp hơn. Và hình ảnh kiểu thách thức tử thần tương tự xuất hiện ở tất cả sáu hồ nước tại khu vực này.
Theo ghi nhận, những đoạn hàng rào dây thép gai bị cắt bỏ nhằm tạo khoảng trống đi vào các hồ nước ngày càng nhiều hơn, nhiều đoạn bị xé rào đến hơn 30 - 40 m, thậm chí bị phá bỏ hoàn toàn.
Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ, cả nam lẫn nữ, mặc kệ những hiểm nguy rình rập, trèo lên những mỏm đá cao sừng sững để ngồi, tổ chức ăn uống, “tám” chuyện, câu cá. Họ hồn nhiên đến mức tha hồ trêu ghẹo, nô đùa và xô đẩy lẫn nhau. Trong khi phía dưới là những mảng đá lởm chởm.
Nhiều đôi uyên ương cũng lũ lượt kéo đến đây để chụp hình cưới. Họ không ngần ngại leo lên những vách đá cao, lội xuống hồ, cách xa bờ để tạo dáng chụp ảnh. Không ít trường hợp đã bị trượt chân, té ngã…
Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, thừa nhận thực trạng: “Việc tìm đến Hồ Đá để thưởng ngoạn, dạo mát là nhu cầu chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, nhiều người vô ý thức cắt dây kẽm rào để vào bơi, tắm, dạo trên vách đá. Dù chúng tôi đã hết sức cố gắng nhưng vẫn không thể quản, không thể ngăn chặn triệt để tình trạng này”. Ông Sang đưa ra lời khuyên: “Tôi mong mọi người phải ý thức tốt hơn, biết cảnh giác, đề phòng nguy hiểm, đừng chủ quan cứ giỡn mặt, liều mình đánh cược mạng sống như vậy”.
Theo thống kê chưa chính thức, số nạn nhân của hồ này đến nay hơn 50 người. Các vụ gần đây nhất: Sáng 14.7.2013, những người đi tập thể dục buổi sáng giật mình khi phát hiện một thi thể nổi trong hồ đá. Trước đó, ngày 7.2.2012, 4 nữ công nhân rủ nhau đến hồ đá chụp ảnh lưu niệm, 2 người không may trượt chân ngã xuống hồ. Hai nữ công nhân còn lại thấy bạn gặp nạn nhào đến cứu và cả 4 người chết đuối trong hồ. Đó là chưa nói đến hàng trăm vụ cướp giật liên tục xảy ra tại đây. |
Nguyễn Thanh Nam
>> Hai học sinh chết đuối dưới hồ nước
>> Tắm hồ, 4 học sinh chết đuối
>> Tắm hồ, 2 học sinh chết đuối
>> Nhậu xong, tắm hồ chết đuối
>> Tắm sông, 5 học sinh chết đuối
>> Lại chết đuối do tắm sông
>> Đi tắm hồ, một sinh viên chết đuối
Bình luận (0)