Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo Bộ NN-PTNT, sau 5 năm triển khai quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây nguyên, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với trên 16.500 ha. Sản lượng năm 2020 đạt gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy mang lại giá trị khoảng 788 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, dự báo thời gian tới, cung và cầu mắc ca trên thế giới đều tăng nhanh (tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm) là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia thị trường sản phẩm này. Định hướng phát triển cây mắc ca là một trong 20 loài cây trồng rừng chính, xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030 đạt doanh thu 1 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định kết quả bước đầu phát triển cây mắc ca là một thành công quan trọng của ngành nông nghiệp VN. So với cây cà phê có lịch sử phát triển hàng trăm năm, mắc ca là cây trồng “đi sau về trước”, với sản lượng tăng hàng chục lần chỉ trong vài năm.
Đặt ra yêu cầu tăng diện tích trồng mắc ca trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần có quy hoạch tiểu vùng và nhấn mạnh hai vùng trên cả nước có thể ổn định phát triển cây mắc ca là Tây Bắc và Tây nguyên. Đối với vùng Tây nguyên, chủ yếu trồng xen mắc ca, còn vùng Tây Bắc trồng mắc ca tập trung. Các địa phương khác có thể trồng thí điểm để xem xét.
Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Mắc ca chủ trì nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển mắc ca ở VN. Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về phát triển cây mắc ca.
Bình luận (0)