Thông tư mới của Bộ GD - ĐT cho phép cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên nếu có các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm khiến nhiều sinh viên đang học các ngành ngoài sư phạm dự định trở thành giáo viên phổ thông sau khi tốt nghiệp rất vui mừng .
Niềm vui xen lẫn nỗi lo
Là sinh viên năm 3 khoa văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, với mơ ước trở thành giáo viên, Nguyễn Trần Tiểu Ngọc cảm thấy rất vui sau khi biết đến thông tư số 12 của Bộ GD - ĐT.
Ngọc bày tỏ niềm phấn khởi vì giờ đây chỉ cần có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, THPT, học thêm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thì có thể trở thành giáo viên. Ngọc chia sẻ: “Sau khi đọc qua thông tư thì mình có chút an tâm vì mình thích trở thành giáo viên THPT. Mình không biết sắp tới kế hoạch giảng dạy lớp nghiệp vụ này như thế nào, và nếu học thì nên học ở đâu?”
Tương tự, Châu Văn Chung, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cũng đồng quan điểm. Chung cho biết bản thân đã hoàn thành xong tất cả tín chỉ trong 4 năm, sau khi biết thông tư mới này cảm thấy rất vui vì mong muốn trở thành giáo viên không còn xa nữa. Chung bày tỏ: “Theo mình thì thông tư mới ban hành này tạo ra những cơ hội mới cho những người có ước muốn vào con đường sư phạm. Bên cạnh đó, trong thông tư cũng nhắm đúng đối tượng là cử nhân có chuyên ngành phù hợp, đây là điều mà mình thấy sẽ đảm bảo một về kiến thức của người giảng dạy”.
Nhiều cơ hội nhưng không kém thách thức
Lê Thế Viễn, cựu sinh viên ngành hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng thông tư mới ban hành giúp nhiều sinh viên của khối ngành các môn khoa học tự nhiên có đam mê sẽ thêm cơ hội việc làm. “Ngoài việc mở ra cơ hội thì đây còn là sự cạnh tranh nhân lực các ngành khác với khối ngành sư phạm. Sinh viên mong muốn các lớp đào tạo viên sẽ có chất lượng”, Viễn nói:
Nguyễn Hoàng Anh, cựu sinh viên khoa địa lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cũng nhận định rằng các thông tư vừa ra tạo sự cạnh tranh khá gay gắt với các sinh viên theo các trường sư phạm chính quy. Hoàng Anh tâm sự: “Dù nhiều khó khăn vì khi học xong cử nhân lại phải học thêm 34 tín chỉ nữa. Tuy nhiên mình nghĩ nếu ai theo đuổi ngành sư phạm thì phải cố gắng hơn, vì thời gian bỏ ra học là khoảng hơn 5 năm. Cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm trong tương lai sẽ có tính cạnh tranh cao.”
Nơi nào được mở lớp nghiệp vụ sư phạm?
Trao đổi với Thanh Niên thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cho biết các lớp nghiệp vụ sư phạm sẽ được mở ra sau khi thông tư có hiệu lực từ ngày 22.5.2021. “Đầu tiên chúng tôi sẽ phải xác định đối tượng sinh viên có nguyện vọng học, những ngành học gần sư phạm. Trong quá trình đó thì người học cần phải học những tín chỉ bắt buộc có trong chương trình", ông Quốc nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)