Theo TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), số người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp trong quý 2 đã tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016. Đáng chú ý, trong số 1,1 triệu người thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật. Nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ ĐH trở lên có 191.300 người, tiếp đến là nhóm CĐ chuyên nghiệp có 94.800 người và trung cấp chuyên nghiệp có 59.100 người.
Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3% trong tổng số người thất nghiệp - gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Ngoài ra, số người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng chiếm tới 22,6% tổng số người thất nghiệp.
tin liên quan
Châu Âu đau đầu chuyện thanh niên thất nghiệpKể từ cuộc khủng hoảng tài chính, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đã và đang là vấn đề trên toàn thế giới.
Trong quý 2.2016, thu nhập bình quân tháng của người lao động làm công hưởng lương đạt 4,85 triệu đồng, giảm 228.000 đồng so với quý 1. 2016, nhưng tăng khá cao so với cùng kỳ 2015 - nguyên nhân là do trong quý 1, người lao động có thêm phần tiền lương, tiền thưởng cuối năm. Nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vẫn là những nhóm ngành có thu nhập cao nhất.
Theo ông Đào Quang Vinh, thị trường lao động trong quý 2 ghi nhận “điểm sáng” về việc làm trong ngành xây dựng tăng đáng kể (tăng 152.000 người so với quý 1.2016 và 641.000 người so với quý 2.2015). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tuy có chững lại song so với cùng kỳ năm 2015 vẫn tăng 788.000 người.
Dự báo trong 6 tháng cuối năm, tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm nhẹ xoay quanh con số gần 2%. Việc làm trong một số ngành sẽ tăng như: xây dựng, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản. Lao động trong các ngành nông nghiệp giảm nhẹ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung.
Bình luận (0)