Cứ quản bằng thuế, không cần cấm

26/09/2017 07:21 GMT+7

Tuần qua, nhiều tài xế chạy xe Uber, Grab "ngã ngửa" vì bị truy thu thuế. Cũng trong tuần qua, Cục Thuế TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỉ đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan).

Sau đó có thông tin Uber dừng hoạt động tại thị trường VN vì bị truy thu thuế, rồi lãnh đạo Uber lên tiếng bác thông tin này... Có thể thấy, mọi lùm xùm của hãng này hiện nay và từ trước chỉ xoay quanh vấn đề thuế.
Theo quy định, xe Uber và Grab bắt buộc phải có pháp nhân là đơn vị vận tải nên đa số tài xế đăng ký theo diện hộ kinh doanh và phải đóng thuế môn bài (đóng theo năm), thuế GTGT (với hộ cá thể có doanh thu hằng năm trên 100 triệu đồng) và thuế thu nhập cá nhân. Còn nếu lái xe đăng ký với pháp nhân là doanh nghiệp vận tải thì sẽ không phải nộp thuế vì đó là phần nghĩa vụ của doanh nghiệp và mọi thủ tục liên quan đến chiếc xe. Sở dĩ nhiều tài xế bất ngờ vì họ thông qua dịch vụ làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh nên không biết phải đóng các loại thuế, phí này. Đến giờ bị truy thu, mới bật ngửa. Còn nhớ trước đó, nhiều tài xế của các hãng taxi truyền thống chuyển sang chạy Grab, Uber vì thu nhập cao hơn. Giờ tính đúng, tính đủ mọi yếu tố, ngoài chuyện thu nhập còn các chính sách, chế độ, bảo hiểm với người lao động, có lẽ họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn một đơn vị để đầu quân. Tương tự với Công ty Uber VN, nếu cứ đóng đầy đủ các nghĩa vụ thuế thì chắc chắn ai cũng ủng hộ. Sẽ chẳng có những lùm xùm, khiếu kiện, thậm chí xung đột như thời gian qua. Hãng nào giá cước cạnh tranh, dịch vụ tốt... khách sẽ chọn. Còn giá cước rẻ nhờ trốn, lách thuế thì chắc chắn sẽ không ai ủng hộ.
Ở góc độ quản lý xe Uber, Grab, thiết nghĩ cũng nên dựa trên quan điểm này. Hiện một số tỉnh, thành ban hành văn bản cấm, ngưng cho Uber, Grab hoạt động hay cấm dịch vụ đi chung... vì đủ lý do. Lý do gì cũng rất khó thuyết phục bởi loại hình vận tải kiểu như Uber ngày càng phát triển, là xu hướng của thế giới. Đó là chưa kể các địa phương không cho Uber, Grab tham gia sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân địa phương đó. Ở góc độ người đi, họ không có sự lựa chọn dịch vụ xe như ở những tỉnh, thành phố cho phép thí điểm nên buộc phải đi phương tiện khác với giá đắt. Ở góc độ nghề nghiệp, những người có nhu cầu chạy Grab, Uber cũng bó tay. Nên thay vì cấm, ngưng..., cứ quản lý thuế thật chặt. Nếu các hãng đã làm nghĩa vụ tài chính đầy đủ, mọi thứ minh bạch thì nên ủng hộ. Việc này vừa tốt cho thị trường, có lợi cho người dân vừa đỡ mang tiếng “quản không được thì cấm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.