Trong hai ngày 4 - 5.9, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật Hình sự (sửa đổi) khu vực phía nam với sự tham dự của gần 40 đại biểu gồm giới luật sư, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, đại diện Sở Tư pháp, ngành công an, viện kiểm sát, tòa án một số tỉnh (thành)... Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tiếp tục thảo luận về những điểm mới trong dự thảo bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, về trách nhiệm hình sự của pháp nhân...
“Nóng” nhất là các ý kiến về nhóm tội phạm chức vụ. Đa phần các đại biểu cho biết bộ luật Hình sự hiện hành quy định hành vi nhận hối lộ là người nào đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào đó có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Hơn nữa, xem hành vi “đòi hối lộ” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà không phải là một hành vi cấu thành tội phạm độc lập; còn “của hối lộ” chỉ bao gồm tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất, không bao gồm lợi ích phi vật chất.
Cho rằng quy định trên không còn phù hợp với thực tiễn xã hội và Công ước về chống tham nhũng, các đại biểu đề nghị phải sửa đổi để phù hợp. Luật sư Trần Mỹ Thoa (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) đặt vấn đề: Theo quy định của Công ước về chống tham nhũng, yếu tố khách quan bắt buộc trong cấu thành tội nhận hối lộ là hành vi đòi hỏi hoặc chấp nhận của hối lộ và sự liên hệ giữa những hành vi này với hành xử của công chức khi thi hành công vụ. Việc đòi hỏi hoặc chấp nhận có thể do công chức trực tiếp thực hiện hoặc qua trung gian. Lợi ích không chính đáng có thể dành cho chính bản thân công chức hoặc cho người khác, chẳng hạn là họ hàng người thân của công chức đó, hoặc có thể dành cho một thực thể khác. Về chủ quan, yếu tố bắt buộc là việc cố ý đòi hỏi hoặc chấp nhận lợi ích không chính đáng với mục đích thay đổi hành xử của một người trong quá trình người đó thực hiện trách nhiệm chính thức. Đồng thời, công ước cũng quy định “của hối lộ” là bất kỳ lợi ích nào, có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất.
Vì vậy theo luật sư Thoa, để đáp ứng yêu cầu khi VN tham gia công ước và để xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ thì buộc phải sửa đổi lại cho phù hợp theo hướng hành vi “đòi hối lộ” là một hành vi cấu thành tội phạm độc lập, không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như quy định hiện hành; của hối lộ bao gồm cả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất.
Đồng thuận với quan điểm này, tuy nhiên, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh đề xuất, cần có định nghĩa về định tội cho rõ ràng hơn. Chẳng hạn, nếu quy định “... đã nhận hoặc sẽ nhận” thì sẽ không liệt kê hết, do đó quy định rộng ra là “... đã nhận hoặc hứa sẽ nhận”.
Bình luận (0)