Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, tình trạng quy hoạch treo nhiều năm, quản lý đất đai lỏng lẻo của địa phương khiến việc giải phóng mặt bằng thi công QL1 đang gặp rắc rối, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
|
>> Cực như sống ở... mặt tiền QL1
>> Cực như sống ở... mặt tiền QL1: 'Tiệt đường' làm ăn
>> Cực như sống ở... mặt tiền QL1: Bất an trên ‘đại công trường’
Bối rối “vùng quy hoạch đỏ”
Cho đến nay UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn chưa có chủ trương chính thức về việc xử lý đối với những hộ dân ở khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (H.Phú Lộc) bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thi công mở rộng QL1 khi họ còn trên 70m2 đất sau thu hồi, giải tỏa. Theo quy hoạch của Chính phủ, Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô gồm ba xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và TT.Lăng Cô. Ngoài xã Lộc Vĩnh, ba địa phương còn lại đều có tuyến QL1 đi qua và đang gặp rắc rối bởi cái gọi vùng quy hoạch “đỏ”. Cụ thể, theo quy định vùng xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô được UBND tỉnh ban hành năm 2008 thì KKT này được chia thành “vùng đỏ”, “vùng vàng” và “vùng xanh”. Trong đó “vùng đỏ” cấm xây dựng mới. Những hộ dân nào khi bị thu hồi đất mà còn trên 70m2 thì phải tái định cư tại chỗ. Trong khi đó quy hoạch của tỉnh cấm tuyệt đối người dân xây dựng mới trong “vùng đỏ”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ với hai xã Lộc Thủy và Lộc Tiến, hiện có ít nhất 20 hộ dân với cả trăm nhân khẩu nằm trong “vùng đỏ” và vướng vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. “Nếu những hộ dân còn trên 70m2 sau khi giải tỏa mà tái định cư tại chỗ thì xây nhà phải có giấy phép xây dựng, nhưng chỉ được cấp phép xây dựng tạm. Nếu sau này bị ảnh hưởng dự án khác, phải di dời thì họ chỉ được bồi thường phần đất còn nhà không được bồi thường. Hiện chúng tôi khá bối rối, đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức” - Phó chủ tịch UBND H.Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh nói.
Dân khiếu nại vì “tiền hậu bất nhất”
Dự án mở rộng QL1 đi qua địa bàn H.Phú Lộc ảnh hưởng trực tiếp đến 1.861 hộ dân, trong đó có 250 hộ dân phải tái định cư. Theo thống kê của UBND huyện, đến ngày 14.8, toàn huyện còn 150 hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường. Trong đó có 110 hộ không chịu nhận tiền đền bù, chưa chấp thuận bàn giao mặt bằng, bởi việc áp giá đền bù với mức quá... bèo. Nguyên nhân của thực trạng này là do việc áp giá bồi thường đối với tài sản trên đất vẫn còn vận dụng theo đơn giá của quyết định số 369 vốn được UBND tỉnh ban hành từ năm 2011.
Đáng chú ý, tại huyện này vẫn còn đến 36 hộ dân tại hai thôn Phước An và Phước Lộc (xã Lộc Tiến) vẫn khiếu nại việc không bồi thường đất để giải tỏa, mở rộng QL1. Năm 1986, hàng chục hộ dân tại hai thôn nói trên được H.Phú Lộc bố trí tái định cư theo diện giãn dân kinh tế mới. Vị trí tái định cư là một vùng đất saval gần QL1 (đã được cấp giấy chứng quyền sử dụng đất). Từ khu đất ở của người dân ra QL1 được ngăn cách bởi một vành đai cây tràm hoa vàng (trồng theo dự án PAM) và bởi một mương nước. Do thiếu sự quản lý, chăm sóc đai tràm dần lụi tàn sau đó người dân đã lấp đất lên đai tràm, tổ chức đắp đất lót bi làm cống rảnh để nối thông từ nhà mình ra QL1 làm đường dẫn và mở quán xá. Trong 28 năm qua, người dân chưa hề bị lập biên bản vi phạm khi làm quán xá. Năm 2001, dự án WB2 nâng cấp tuyến đường ngập lụt đoạn Đông Hà-Quảng Ngãi triển khai thì một phần đất từ mép đường QL1 vào nhà dân được thu hồi sau đó nhiều hộ dân ở hai thôn Phước An, Phước Lộc được đền bù đất lẫn tài sản trên đất.
Sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền cùng việc người dân từng được bồi thường từ dự án 14 năm trước, vô hình chung công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất mà người dân san lấp và làm đường dẫn, quán xá tiếp giáp QL1. Khi dự án mở rộng QL1 được tiến hành, diện tích đất bị thu hồi 6m tính từ mép đường trở vào thì người dân yêu cầu được bồi thường, nếu không họ sẽ không giao mặt bằng.
Vụ việc nói trên phức tạp đến mức UBND H.Phú Lộc phải xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo xử lý vụ việc này dựa theo quan điểm của hội đồng tư vấn tỉnh do Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì. Theo đó, với lý do phần đất vào sâu 6m tính từ mép QL1 là đã được giao cho HTX An Lộc quản lý phục vụ vào “mục đích công cộng nhằm giải thiểu thiên tai tại vùng quy hoạch dân cư” nên các hộ dân không được bồi thường mà chỉ bồi thường hỗ trợ cây cối, hoa màu trên đất, vật liệu. Trả lời câu hỏi tại sao năm 2001 người dân được đền bù như nhưng nay thì không được, ông Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Mạnh nói rằng, khúc mắc này đã trình bày trước hội đồng tư vấn tỉnh; hội đồng cho rằng không thể trước đây làm sai nay tiếp tục làm sai nữa.
Đình Toàn
Bình luận (0)