PGS.TS Phạm Xuân Hậu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục cho rằng, việc đào tạo này còn có một số khó khăn như: chưa có quy chế chuẩn mực và thống nhất trong đào tạo liên thông, một số trường còn đào tạo theo mục đích lợi nhuận cá nhân, coi nhẹ việc tuyển sinh và chất lượng đào tạo, “mềm hóa” những quy định của Bộ GD-ĐT để giữ số lượng sinh viên cho trường mình, gây khó khăn cho các trường khác khi tuyển sinh.
Tiến sĩ Phạm Thị Minh Hạnh - trường CĐ Cộng đồng Bình Thuận nhận xét: “Các hoạt động đào tạo liên thông chưa có quy mô trên cả nước; đôi lúc giữa các trường thực hiện được là nhờ các mối quan hệ riêng tư, “xin cho” giữa hai trường có ngành nghề tương thích”. TS Nguyễn Ngọc Hiệp - ĐH Đà Nẵng còn cho rằng có nhiều điều không phù hợp, như quy định tốt nghiệp bậc dưới loại trung bình phải có 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được thi tuyển liên thông bậc cao hơn. “Không hiểu quy định như vậy để làm gì, đâu phải như thế thì tay nghề cao hơn đâu, mà nhiều trường hợp kiến thức còn bị mai một, chưa kể nếu không xin được việc làm thì coi như bỏ nghề luôn!”, ông Hiệp nói. Hiệu trưởng trường ĐH Quang Trung, ông Nguyễn Minh Châu và rất nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với nhận xét này và đề nghị Bộ GD-ĐT cho những thí sinh tốt nghiệp bậc dưới loại khá giỏi được miễn thi, loại trung bình được thi ngay.
TS Đoàn Hữu Hải, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng khẳng định việc chọn học bậc TCCN hay CĐ trước chưa hẳn vì năng lực học tập của người học thấp hơn, mà có thể do hoàn cảnh cá nhân chưa cho phép. Vì vậy nên cho thi tuyển liên thông ngay với cả những người tốt nghiệp loại trung bình. Để giải quyết những bất cập nêu trên, nhiều đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm hoàn chỉnh và ban hành quy chế thống nhất về loại hình đào tạo này; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất; thống nhất chương trình khung đào tạo cho các trường, các chuyên ngành...
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM đặt đến vai trò "văn hóa" của các trường ĐH, làm sao để các trường được kiểm định chủ động có những quy định chấp nhận tín chỉ của nhau, tạo điều kiện cho người học có thể lựa chọn việc học ở nơi nào mình muốn mà vẫn có thể có được tấm bằng ĐH tại trường mà họ đăng ký theo học. “Nét văn hóa” này còn được TS Phạm Thị Minh Hạnh minh họa bằng một việc làm cụ thể để tôn trọng các trường có bậc đào tạo thấp hơn, chẳng hạn như hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ ra cho các trường còn thiếu gì để bổ sung, để có thể liên thông được với trường mình trong tương lai, thay vì “chỉ đi riêng” với một số trường thân thuộc.
Đứng về phía quyền lợi của người học, TS Hạnh đề nghị các trường cần phổ biến rộng rãi “lộ trình liên thông” cụ thể để HS-SV biết sau khi tốt nghiệp một ngành nghề nào đó và những cơ sở giáo dục này sẽ chào đón họ, nhất là những HS-SV khẳng định được khả năng tiếp tục học tập của mình. Làm sao để tự bản thân mỗi người học có thể tự đến các cơ sở giáo dục này để đăng ký dự tuyển mà không cần phải có sự can thiệp của trường cũ.
Nhựt Quang
Bình luận (0)