Cung vượt cầu, hàng ngàn tấn thanh long ế ẩm

Quế Hà
Quế Hà
11/10/2018 05:04 GMT+7

Những ngày qua, đi bất cứ nhà vườn nào ở các “thủ phủ” thanh long như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, hay Bắc Bình (Bình Thuận)... đều gặp cảnh bà con nông dân rầu rĩ vì thanh long chín đỏ nhưng không có người mua.

[VIDEO] Không chỉ Bình Thuận, nông dân nhiều tỉnh khác cũng méo mặt vì mùa thanh long đắng nghét
Xót xa nhìn trái thối rục trên cành
Anh Võ Quốc Dũng (40 tuổi, thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp, H.Hàm Thuận Bắc) đứng bên vườn thanh long của mình, rầu rĩ nói: “Chiều hôm trước có người đồng ý mua cả vườn gần 30 tấn với giá 1.000 đồng/kg. Nhưng hôm sau tôi gọi lại thì người này không bắt máy nữa”. Lứa thanh long này của anh Dũng có 2 khu vườn với tổng cộng khoảng 50 tấn trái chín đều chưa tìm được đầu ra. “Chỉ cần họ mua cho đủ tiền thuê người cắt là được rồi, nhưng họ cũng không mua. Tôi đành để trái chín thối rục trên cành. Tôi làm thanh long 20 năm nay, giờ mới thấy chuyện lạ vậy”, anh Dũng xót xa và cho biết thêm, mùa này nếu có giá như cùng thời điểm năm ngoái thì anh sẽ thu được hơn 300 triệu đồng. Năm nay coi như mất trắng.
Đứng nhìn gần 1.400 trụ thanh long chín đỏ mà không bán được, anh Lê Tấn Trung (thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, H.Hàm Thuận Bắc) thở dài: “Vụ thanh long này, không chỉ riêng tôi, anh em nhà tôi đều không bán được. Mất cả vốn lẫn tiền công chăm sóc hàng trăm triệu đồng”.
Theo quan sát của Thanh Niên, hiện nay có hàng loạt nhà vườn ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc bỏ treo trái chín rục trên cành do không có người mua. Lứa thanh long chạy điện tiếp theo bắt đầu chín. Người dân dùng giấy báo bao lại từng trái để giữ trên cành chờ cơ hội. Thiệt hại mùa vụ này đối với nông dân Bình Thuận là vô cùng lớn.
Khủng hoảng thừa !
Ông Bùi Đăng Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nhận định thanh long năm nay đang bị “khủng hoảng thừa”. Lứa thanh long vừa rồi, theo ông Hưng “nhiều tới mức chưa từng có trong hàng chục năm qua, ước tính hơn 200.000 tấn”. Lý do bà con nông dân không lặt bỏ trái non, mà đồng loạt nuôi trái cho lớn, dẫn đến sản lượng vụ mùa thanh long (tức vụ cho trái ra tự nhiên, không chong điện) dư thừa quá nhiều. “Bà con mình chủ quan, không chia lứa, chia vườn ra đánh trái, cứ để nuôi hoa đồng loạt. Vì ai cũng nghĩ sẽ có giá cao như thời điểm này năm trước, do vậy cung vượt cầu quá xa”, ông Hưng nhận xét.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có gần 30.000 ha thanh long, sản lượng cả năm khoảng 600.000 tấn, 90% tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Thời điểm đầu tháng 10 là mùa vụ lớn nhất trong năm mà không bán được gây thiệt hại lớn. Không chỉ Bình Thuận, thời điểm này các tỉnh khác có thanh long đều có sản lượng bán tăng vọt như Long An, Tiền Giang và một số tỉnh phía bắc cũng đồng loạt thu hoạch.
Nguyên nhân khác, theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Thuận, do Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 1 - 10.10. Thời gian này tất cả các cơ quan thông quan như hải quan, kiểm dịch, biên phòng cửa khẩu đều nghỉ làm nên việc thông quan bị ách tắc đúng vào dịp thanh long vào mùa cao điểm thu hoạch. Ông Bùi Đăng Hưng cho biết thêm hiện nay lượng xe của các thương lái Bình Thuận chở thanh long sang chợ Pò Chài (chợ biên giới tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, giáp với Lạng Sơn) là rất ít. Hiện có hàng trăm thương lái túc trực ở Bình Thuận để mua thanh long. Việc mua bán, giá cả đều do họ quyết định.
Trả lời Thanh Niên, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Đỗ Minh Kính thừa nhận giá thanh long vụ này bị “tụt dốc” thê thảm, hiện chỉ còn từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm năm ngoái là 22.000 đồng/kg, do sản lượng quá nhiều. Tất cả các kho lạnh của doanh nghiệp thu mua thanh long hiện đã đầy. Phải tiêu thụ bớt thì sức mua mới tăng dần trở lại. Mà khi đó thì lại không có hàng để bán nữa vì đứt lứa. Vòng luẩn quẩn lại bắt đầu.
Theo ông Phạm Hữu Thủ, Chánh văn phòng Sở NN-PTNT Bình Thuận, muốn tránh tình trạng ứ đọng phải điều tiết sản xuất chia vùng nhỏ lẻ. Khu vực nào để trái, khu vực nào nuôi thân cây, tránh lối sản xuất ồ ạt. Việc này cần có sự can thiệp của nhà nước và sự hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua. Giám đốc Sở Công thương Đỗ Minh Kính cho rằng song song với việc sản xuất theo quy hoạch mùa vụ, cần mở rộng các thị trường tiêu thụ, để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.