Cúng xóm

“Bà con xa không bằng láng giềng gần” - câu nói ấy của ông bà ta luôn luôn đúng trong mọi trường hợp.

“Bà con xa không bằng láng giềng gần” - câu nói ấy của ông bà ta luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. 

Ảnh: Ngọc ThắngẢnh: Ngọc Thắng
Nhiều khi hoàn cảnh sống khiến chúng ta không thể sống gần họ hàng, bà con ruột thịt nhưng láng giềng thì ở gần ta. Mỗi ngày, ta đều gặp mặt họ, họ đều gặp mặt ta; việc tâm tình, giúp đỡ qua lại, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau là một cách giúp kết nối tình nghĩa hàng xóm ngày thêm bền chặt.
Tổ dân phố nơi tôi ở, thuộc P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM hình thành cách nay hơn 10 năm. Đó là một tổ dân phố mới và trẻ. Họ gồm 70 hộ từ các nơi về, mua đất làm nhà ở cuối đường Tân Thới Nhất 18. Họ làm đủ các nghề: nhà báo, nhà giáo, sĩ quan quân đội, cảnh sát, gia công sản xuất nhỏ, nhà thầu xây dựng, công chức, cán bộ, thợ may… Phần lớn cư dân là người trẻ chưa đến 50 tuổi, con cái họ còn nhỏ, cháu lớn nhất vẫn còn học trung học phổ thông.
Ấy vậy mà tổ dân phố này được tổ chức chặt chẽ, sinh hoạt khá lành mạnh và phong phú tính cộng đồng. Nhiều người, nhiều lứa tuổi, nhiều niềm tin tôn giáo khác nhau nhưng mỗi năm hai lần, nói đến chuyện tổ chức cúng xóm là tất cả tổ dân phố đều hăng hái tham gia. Hai lần cúng xóm đó diễn ra vào lễ tất niên - thường là trước tết khoảng 2 tuần và lễ tế xuân - thường là mồng 10 tháng giêng sau Tết Nguyên đán.
Niềm tin tâm linh phổ biến của người Việt là đất nào cũng có thành hoàng, thổ địa cai quản. P.Tân Thới Nhất, Q.12 trước đây thuộc huyện Hóc Môn, từng là nơi bộ đội về ém quân để tiến công vào nội thành, từng là con đường giao liên để bộ đội rút đi sau trận đánh. Mảnh đất ấy từng có chiến sĩ ta hy sinh. Lễ cúng xóm của tổ dân phố đầu tiên là cúng đất để tạ ơn thành hoàng, thổ địa; sau đó là tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và những người đã khuất. Mục đích thứ hai rất tâm linh nhưng cũng rất hiện thực: Họ xin các thế lực siêu nhiên phù hộ cho gia đình, con cái được sức khỏe hạnh phúc; các hộ làm ăn phát đạt, đoàn kết, thương yêu, quý trọng nhau. Vượt xa nữa, họ cầu mong cho mọi gia đình trong phường, quận, thành phố được bình an, đất nước hùng cường, nhân dân no ấm.
Những nội hàm nhân hậu như vậy được thể hiện trong bảng văn tế không biết là do ai truyền lại vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính truyền thống. Lễ cúng xóm long trọng nhất là ngày tế xuân. Ban tế tự gồm có một vị lão thành trì trọng chủ trì, ba vị chánh bái và phụ bái, một vị đọc văn tế; có ban tiếp tân, ban ẩm thực, ban lễ nhạc chiêng trống. Họ đốt một ít vàng bạc, rải một chén gạo muối, kiếng một bộ tam sên (một con cua, một hột vịt luộc, một miếng thịt heo) và cúng một tô cháo loãng cho những vong linh đã khuất.
Lễ cúng thường diễn ra ngắn gọn trong 45 phút. Cúng xong, bà con tổ dân phố ai muốn thắp hương cứ vào thắp, ai theo đạo không thắp cũng không sao. Cái chính là hai lễ cúng tất niên và tế xuân trong tổ dân phố tạo cơ hội cho tất cả mọi người hàng xóm gặp nhau; giao lưu, hàn huyên, tâm sự và hóa giải những gút mắc (nếu có). Bàn ghế, chén đĩa (thuê) được dọn ra. Tất cả mọi người đều được mời dự bữa cơm thân mật, đầu bếp là các chị nuôi trong tổ dân phố. Tùy theo kinh nghiệm làm bếp, người này làm món gà xé phay trộn rau răm theo kiểu Trung bộ, người kia làm món heo dân tộc nướng và xáo măng theo kiểu Bắc bộ, người khác nữa làm món dê xào lăn theo kiểu Nam bộ...
Điểm khác biệt của lễ cúng xóm ở tổ dân phố này là tất cả các cháu thiếu niên, nhi đồng từ 1 tuổi đến 18 tuổi đều được mời ra, dùng bữa trước với một “thực đơn” riêng. Thực đơn của các cháu thường là cháo gỏi gà, đùi gà chiên nước mắm, cơm chiên Dương Châu hay cà ri bánh mì, uống nước ngọt. Các cháu được mời ăn trước, xong rồi mới tới người lớn ăn.
Thông thường, tiệc mặn năm nào cũng có bia và nước ngọt. Thế nhưng, gặp nhau một vài lần là dịp quý hiếm nên các hộ gia đình có thêm được thức uống hay món ăn nào lạ cũng đem ra góp thêm vào đãi mọi người. Bạn sẽ hỏi: Tiền đâu mà cúng xóm được như vậy? Rất dễ huy động: Tổ dân phố có một tấm bảng. Họ chỉ cần đánh máy, in vi tính một tờ giấy khổ lớn “Kính mời bà con tham gia lễ cúng xóm vào lúc… ngày… Xin liên hệ với anh Hai tạp hóa”. Ai chạy xe đi làm hay quay về nhà cũng đều đọc được nội dung ấy. Họ tự động đóng tiền, ít nhiều tùy hỷ, ai khó khăn có thể không đóng. Năm nào tiền bạc phong phú, ban tổ chức mời thêm một ban nhạc bình dân đến ca hát, tấu hài; năm nào ít tiền thì thôi.
Hai bữa cơm cuối năm và đầu năm giữa hàng xóm, láng giềng diễn ra thật vui. Mọi tấm lòng đều cởi mở, chúc nhau những lời tốt đẹp. Vì vậy mà tình nghĩa láng giềng ngày càng sâu đậm. Năm qua, một cụ trưởng thượng qua đời vì tuổi già, cả xóm đến phúng viếng, giúp đỡ việc tang ma; một cụ khác bệnh, đi đứng không được, cả xóm đến thăm hỏi. Trẻ con trong xóm khá ngoan, ra đường đi học hay đi chơi đều biết chào hỏi người lớn, khi chơi với nhau, chúng thường biết nhường nhịn, không cãi vã to tiếng hay đánh nhau.
Chúng ta thường mong ước một xã hội sống có văn hóa nhưng nhiều khi chỉ chú trọng hình thức mà bỏ qua những nội hàm cấu tạo yếu tố văn hóa đó. Văn hóa không nằm trên những bảng xanh, viết chữ trắng, gắn trang trọng ở đầu cổng vào một tổ dân phố hay một khu phố. Nó là nếp sống hằng ngày tiềm ẩn phía sau những tấm bảng trang trọng đó và có đôi khi chẳng cần có tấm bảng nào. Sự thật là nếu chúng ta khuyến khích bà con từng tổ dân phố, từng khu phố duy trì và phát triển những sinh hoạt văn hóa có tính truyền thống thì nếp sống văn hóa tự nó sẽ định hình và đẩy lùi những biểu hiện mất văn hóa. Con người sống là phải gắn liền số phận của mình với miền đất đang sống, với tình nghĩa của những hàng xóm thân thiết hơn cả bà con trong gia tộc.
Cúng xóm giữa một thành phố văn minh không phải và không hề là một hình thức mê tín. Nó không bó buộc ai phải tham gia và tham dự, chỉ có những cá nhân thấy hình thức này là hay, là cần thiết thì tự động tìm đến. Nhiều nơi cúng xóm thành công và có tác dụng thực tiễn hơn cả những buổi họp tổ dân phố. Họp thì nhiều bà con thường vắng và có những buổi họp bàn bạc nhiều chuyện to lớn nhưng khi thực hiện thì không được hoặc thực hiện không đến đâu.
Ở nhiều vùng nông thôn của chúng ta vẫn duy trì được những truyền thống văn hóa tốt đẹp là nhờ hằng năm “xuân thu nhị kỳ” tổ chức cúng đình, cúng xóm. Dù hình thức nghi lễ ở một vài nơi có khi còn rườm rà, chưa gọn nhẹ nhưng chính những sinh hoạt tâm linh bình dân như vậy đã kết nối được tình nghĩa xóm làng. Tóm lại, cuộc sống càng tiến lên văn minh hiện đại thì con người lại càng phải giữ gìn những nếp cũ tốt đẹp - những giềng mối sống, của cha ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.