Ngày 11-9-2001, vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra. Hơn 3.000 người thiệt mạng. Chính phủ Mỹ thề sẽ tiêu diệt Osama Bin Laden - ông trùm tổ chức khủng bố al-Qaeda - để báo thù. Cuộc săn lùng kéo dài suốt một thập kỷ, có lúc tưởng như vô vọng, cho đến ngày 1-5-2011. Khoảng 30 phút sau nửa đêm, một đội đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ tấn công dinh thự nơi Bin Laden trú ẩn ở thành phố Abbottabad, bắn chết ông trùm al-Qaeda.
|
Đó là một chương đẫm máu trong lịch sử nước Mỹ mà cả thế giới đều biết rõ. Nữ đạo diễn Bigelow đã tái dựng những sự kiện và tháng năm đó một cách xuất sắc vào Zero dark thirty. Không chỉ đơn thuần là một bộ phim hành động - phản gián - trinh thám đậm chất hiện thực nhưng cực kỳ căng thẳng và hấp dẫn, Zero dark thirty còn đưa ra những thông điệp khiến khán giả, đặc biệt là người Mỹ, sẽ phải suy ngẫm và trăn trở.
Bộ phim mở đầu trong bóng tối với những tiếng vọng thê thảm của ngày 11-9. Đó là tiếng kêu cứu tuyệt vọng của những người bị mắc kẹt trong tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở New York, những cú điện thoại vội vã của các nạn nhân trên máy bay bị đánh cướp để thông báo với người thân rằng mình sắp chết...
Tiếp ngay sau đó là bóng tối đáng sợ ở một nhà tù bí mật của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Tại đó, các điệp viên CIA tra tấn tàn bạo một tù nhân Ả Rập nhằm moi tin về Bin Laden. “Nếu mày nói dối, tao sẽ làm cho mày đau đớn” - điệp viên CIA Dan thì thầm vào tai tù nhân Ammar. Quả đúng như vậy, Ammar đã nếm mùi đủ các kiểu tra tấn khác nhau, từ trấn nước, đánh đập, bị nhốt vào lồng, bị xích như chó... CIA gọi đó là “kỹ thuật hỏi cung tăng cường”.
Đạo diễn Bigelow đã không ngần ngại mô tả những cảnh tra tấn một cách chân thực đến mức khủng khiếp, nhưng bộ phim cũng chỉ ra rõ rằng các đòn tra tấn đáng ghê sợ đó chỉ đem lại những kết quả không rõ ràng, thiếu thuyết phục. So với tra tấn, việc suy luận tỉ mỉ, sự kiên nhẫn thu thập từng thông tin nhỏ suốt một thời gian dài, cộng với những chiêu thức điều tra như gài bẫy, theo dõi lén, thậm chí cả hối lộ... có hiệu quả hơn nhiều trong việc lần ra dấu vết Bin Laden.
Nhân vật chính của Zero dark thirty là nữ điệp viên CIA Maya, bắt đầu tham gia cuộc truy lùng Bin Laden vào năm 2003. Theo báo chí Mỹ, nhân vật Maya dựa trên một nữ điệp viên CIA có thật ngoài đời, từng góp công lớn vào chiến dịch săn lùng và tiêu diệt Bin Laden. Dưới bàn tay nhào nặn của một nữ đạo diễn mạnh mẽ như Bigelow, nhân vật Maya do nữ diễn viên Jessica Chastain thủ vai cũng đầy mạnh mẽ, thông minh, giàu nghị lực và hoàn toàn xứng đáng với đề cử Oscar.
Cuộc xâm nhập của đội đặc nhiệm SEAL vào tòa nhà ở Abbottabad trong đêm 1-5 được tái hiện đầy căng thẳng, hấp dẫn, ngang tầm với những cảnh phim hành động xuất sắc nhất mà Hollywood từng tạo ra dù ai cũng đã biết kết quả của nó. Và trong trường đoạn đặc sắc này, tính chất báo thù hiện ra rõ rệt nhất, nợ máu đã được trả bằng máu đầy tàn khốc. Trên thực tế, Bin Laden và tay chân đã bị hành quyết một cách lạnh lùng, tàn nhẫn và các biệt kích SEAL là những đao phủ lành nghề.
Chính vì thế, cái kết của Zero dark thirty không tạo ra cảm giác tung hô một thắng lợi vang dội như những gì Argo của đạo diễn Ben Affleck thể hiện (cũng với đề tài một chiến dịch thành công của CIA). Ngược lại, khán giả sẽ nhận thấy rằng mình vừa được chứng kiến một chương u ám của lịch sử nước Mỹ, để lại những vết sẹo khó lành. Trên gương mặt của Maya không có nụ cười chiến thắng, mà chỉ có những giọt nước mắt ngậm ngùi.
Phải chăng đó là lý do Zero dark thirty (năm đề cử Oscar, thắng một giải dựng âm thanh) bị quên lãng ở lễ trao giải Oscar 2013, nơi tôn vinh một bộ phim ca ngợi Chính phủ Mỹ, với giải thưởng lớn nhất do đệ nhất phu nhân Mỹ công bố?
Theo Hiếu Trung / Tuổi Trẻ
>> Zero Dark Thirty" và "Argo" thắng lớn giải tiền Oscar
>> Phim "Zero dark thirty" không đúng hiện thực
>> Zero dark thirty" sẽ tuột Oscar vì "tôn vinh" tra tấn?
>> Giám đốc CIA chỉ trích phim “Zero dark thirty”
Bình luận (0)