Cuộc cách mạng giáo dục giới tính ở Ấn Độ

07/03/2017 22:00 GMT+7

Chương trình giáo dục giới tính cho giới trẻ ở Ấn Độ được đánh giá là một cuộc cách mạng đi ngược lại những điều cấm kỵ.

Ấn Độ có 253 triệu thanh thiếu niên ở độ tuổi 13 - 19, chiếm khoảng 1/5 tổng dân số nước này (1,2 tỉ người), nhưng giáo dục giới tính ở nhiều nơi bị xem là điều cấm kỵ. Chính quyền tại 6 bang của Ấn Độ thậm chí còn cấm giáo dục giới tính ở trường học, với lý do hoạt động này kích thích sự tò mò về tình dục, khiến giới trẻ hư hỏng. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ mới đây đã mạnh dạn triển khai chương trình giáo dục giới tính mới dành cho giới trẻ Ấn Độ.
Giáo dục giới tính đồng đẳng
Trong khuôn khổ chương trình giáo dục giới tính do Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình khởi động hồi cuối tháng 2, một bộ tài liệu giáo dục giới tính sẽ được cung cấp cho khoảng 160.000 người trẻ tại các ngôi làng và thành phố ở khắp Ấn Độ. Những người trẻ này sẽ được huấn luyện về sức khỏe sinh sản và tâm sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên (13 - 19 tuổi), để trở thành “giáo dục viên đồng đẳng”, được gọi là Saathiya. Các Saathiya sau đó tự tiến hành những buổi hội thảo, chia sẻ thông tin với thanh thiếu niên địa phương về những vấn đề mà họ được huấn luyện, theo tờ Hindustan Times (Ấn Độ).
“Chương trình giáo dục giới tính đồng đẳng sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức và phong cách sống... nếu chúng tôi thành công, đây sẽ là một đóng góp cực kỳ to lớn cho xã hội”, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, ông C.K.Mishra cho biết. Trong suốt 4 năm qua, bộ này đã phối hợp với Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cùng các tổ chức khác biên soạn bộ tài liệu giáo dục giới tính. Bộ tài liệu, bao gồm ứng dụng điện thoại và sách hướng dẫn, được trình bày ngắn gọn, đẹp mắt để thu hút thanh thiếu niên.
Chương trình này được đánh giá là một cuộc cách mạng bởi bộ tài liệu đề cập đến nhiều thông tin bị xem là điều cấm kỵ trong xã hội Ấn Độ. Chẳng hạn, trong mục nói về tuổi dậy thì, tài liệu - được viết bằng tiếng Hindi và tiếng Anh - giải thích: “Vâng, thanh thiếu niên hay yêu nhau. Họ có thể cảm thấy quyến luyến với một người bạn hay một người khác giới hoặc đồng giới. Có cảm giác đặc biệt với một ai đó là điều hoàn toàn tự nhiên”.
Tuy nhiên, nội dung này có thể gây tranh cãi bởi hồi năm 2013 Ấn Độ áp dụng một đạo luật xem đồng tính luyến ái là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù từ 10 năm cho đến chung thân. “Tôi nghĩ rằng bộ tài liệu mang tính cách mạng bởi nó đề cập đến những vấn đề nhạy cảm một cách thẳng thắn, chẳng hạn như đồng tính luyến ái”, bà Koninika Roy, giám đốc của tổ chức bảo vệ quyền người đồng tính Humsafar Trust (Ấn Độ), nói với CNN.

tin liên quan

Trường học Ấn Độ dạy về nữ quyền cho học sinh
Một trường nữ sinh ở Ấn Độ đã dạy và tổ chức nhiều hoạt động để các học sinh hiểu về quyền bình đẳng nam nữ, điều hiếm thấy ở một xã hội gia trưởng như Ấn Độ, theo NBC News.
Phản bác điều cấm kỵ
Trong một xã hội được cho là vẫn còn “trọng nam khinh nữ” ở Ấn Độ, đàn ông bị cấm thể hiện sự mềm yếu và được dạy từ rất bé là không được khóc hay biểu lộ cảm xúc, còn phụ nữ thì phải ăn nói nhỏ nhẹ, thùy mị đoan trang. Nhưng bộ tài liệu khẳng định con trai khóc, biểu lộ cảm xúc là chuyện bình thường và người con gái mạnh mẽ hay ăn mặc như con trai, chơi những môn thể thao vốn chỉ dành cho nam giới cũng là điều bình thường. “Thẳng thắn đề cập đến vấn đề nam nữ bình đẳng giúp nam giới thách thức quan điểm cứng nhắc về đàn ông mạnh mẽ trong xã hội Ấn Độ”, bà Rebecca Tavares, một đại diện của Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, nhận định.
Bên cạnh đó, nội dung bộ tài liệu cũng xoáy vào các vấn đề nhạy cảm của bé gái trong tuổi dậy thì. Nhiều bậc cha mẹ Ấn Độ không cho phép con gái ở tuổi dậy thì chơi thể thao hay đi chơi bên ngoài, một phần là do sợ con gái tiếp xúc nhiều với con trai dễ làm “chuyện dại dột”, theo BBC. Nhưng bộ tài liệu nhấn mạnh thể dục thể thao là quan trọng đối với cả nam lẫn nữ và khuyến cáo nam giới rằng: “Chúng ta nên đảm bảo các bé gái không bị trêu chọc hay quấy rối”. Bộ tài liệu cũng lưu ý việc bé gái ở tuổi dậy thì không được phép tham gia các hoạt động ngoài trời là “không tốt cho sức khỏe, lòng tự trọng và sự tự tin”.
Ngoài ra, bộ tài liệu còn đề cập đến cả vấn đề vốn bị xem “bẩn thỉu” ở Ấn Độ là chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, theo Times of India (Ấn Độ). Phản bác quan điểm cổ hủ rằng phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt không được phép vào đền chùa hay vào bếp, bộ tài liệu khẳng định: “Chu kỳ kinh nguyệt không phải là bẩn thỉu hay gây ô nhiễm. Các cô gái trẻ không nên cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi vì điều này. Nếu giữ vệ sinh đúng cách, họ có thể tham gia tất cả các hoạt động bao gồm đi học, trò chơi ngoài trời, nấu ăn... một cách thoải mái”.
Nhật xét về bộ tài liệu này, ông Venkatesh Srinivasan, một đại diện của Ấn Độ tại UNFPA, nói: “Tôi nghĩ rằng Ấn Độ vừa có một bước tiến đột phá về giáo dục giới tính trong vòng 10 - 15 năm qua”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.